Ngành y tế đặt ra mục tiêu là xây dựng các trạm y tế trở thành nơi chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân ngay tại cơ sở liên tục và suốt đời. Tuy nhiên, điều này sẽ khó có thể thực hiện được nếu không thực sự nghiêm túc đầu tư cho các trạm y tế.
Tại Hòa Bình, một tỉnh miền núi khó khăn, khó có thể hình dung một nơi là trạm y tế nếu như không có biển tên. Nhà cửa xuống cấp, tường bong tróc, dột nát, ẩm mốc và đã được xây dựng cách đây 20 năm.
Trang thiết bị cũng không có gì ngoài ống nghe, máy đo huyết áp và một vài dụng cụ khám thai sơ sài. Vậy mà trạm y tế xã Định Cư, Lạc Sơn, Hòa Bình này đang phải chăm sóc sức khỏe cho khoảng 5.000 người dân. Điều đáng nói nữa là danh mục thuốc của trạm chỉ có 30 trên tổng số 141 loại. Người dân chỉ đến khám khi hắt hơi, sổ mũi còn tất cả phải lên tuyến trên, dù phải đi xa hàng chục cây số.
Lãnh đạo sở Y tế Hòa Bình cho biết, trong nhiều năm qua, hệ thống y tế cơ sở của Hòa Bình không được đầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dẫn đến khả năng cung ứng dịch vụ cho người dân tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trạm y tế xã đảm bảo theo tiêu chí của Bộ Y tế chỉ chiếm 60% và tỷ lệ bác sĩ công tác tại trạm chiếm 75%.
Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các trạm y tế, hàng tuần, các bác sĩ tại trung tâm y tế huyện sẽ về khám và điều trị một số bệnh thông thường cho người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, các trạm y tế này cần được đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu của người dân tại các xã vùng sâu, vùng xa.
Bộ Y tế đang triển dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho gần 500 trạm y tế và trung tâm y tế huyện trong vòng 5 năm với mục tiêu người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe toàn diện và suốt đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!