Trào lưu ẩm thực - Từ kỳ lạ đến kỳ dị

Chuyển động 24h-Thứ tư, ngày 16/10/2024 12:43 GMT+7

VTV.vn - Theo khảo sát, cứ 3 người Việt thì có ít nhất 2 người sẵn sàng "đu trend" ẩm thực. Trải nghiệm những món ăn mới đang trở thành xu hướng.

Xưa nay vẫn có câu "Nấu ăn là nghệ thuật và người đầu bếp chính là nghệ sĩ", ý nói là cũng giống như nghệ thuật, ẩm thực luôn cần đến sự sáng tạo và thăng hoa. Nhưng có lẽ giờ đây, trong thời đại số này, để thành công thì sáng tạo thôi chưa đủ nếu thiếu đi những yếu tố được xem là công thức tạo nên xu hướng. Phải "độc", phải "dị", phải "khác thường" mới thu hút được khách hàng…

Cứ 3 người Việt thì có ít nhất 2 người sẵn sàng "đu trend" ẩm thực, tức là trải nghiệm những món ăn mới đang trở thành xu hướng. Đây là số liệu khảo sát thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 do một đơn vị chuyên cung cấp giải pháp nhà hàng, cà phê phát hành. Điều này đang chứng minh rằng, các trào lưu ẩm thực có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đặc biệt là tới những thực khách trẻ tuổi.

Giới trẻ "phát cuồng" vì những trào lưu ẩm thực

Chỉ khoảng 1 tháng trước có rất nhiều các bạn trẻ đã thức dậy thật sớm để có cho mình trải nghiệm uống những tách cà phê, ly trà vào lúc 4 giờ sáng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì dòng người đã không còn.

Trào lưu ẩm thực - Từ kỳ lạ đến kỳ dị - Ảnh 1.

Nhiều thực khách đến từ 4 giờ sáng để đợi chờ và vượt cả chục cây số để có thể sở hữu một gói xôi

Mua đồ ăn hay mua sự trải nghiệm đó là câu hỏi mà phóng viên luôn đặt ra khi gặp gỡ các bạn trẻ khi đi đu những trend những xu hướng như thế này. Thật không may mắn khi chủ quán đã đóng cửa, thế nhưng vẫn rất nhiều thực khách đến đây từ rất sớm để đợi chờ và vượt cả chục cây số để có thể sở hữu một gói xôi.

Chưa bàn tới chất lượng, câu chuyện xoay quanh chàng trai vừa phụ vợ bán xôi vừa khiến cộng đồng mạng cười nghiêng ngả với những video hài hước, đã giúp gánh xôi nhỏ trở thành "điểm check-in" không thể bỏ qua của các tín đồ ẩm thực.

Và kể cả khi không đủ hữu duyên để gặp được thần tượng thì sự nổi tiếng bất ngờ cũng khiến cả làng đều vui.

Chẳng cần cố gắng bán sản phẩm, mà hãy bán một câu chuyện hấp dẫn cho khách hàng. Đó cũng là lí do mà nhiều nhà hàng thay vì chạy theo trend thì lại tự tạo trend. Và để có câu chuyện cho riêng mình, không ít thương hiệu khiến thực khách phải rùng mình khi phải thưởng thức những món ăn độc lạ không giống ai.

Từ kì lạ đến kì dị, nếu không có giá trị thực sự, tất cả sẽ chỉ là nhất thời. Và một khi không có sự tính toán lâu dài, thì xu hướng ấy rất dễ thoái trào.

Không ít người sẽ thắc mắc "vì sao lại phải dậy sớm như thế?" hay "trông khó ăn vậy sao lại phải thử ?". Tâm lý học giải thích rằng hành động này đến từ hội chứng FOMO - hội chứng sợ bị bỏ lỡ đang phổ biến trong xã hội hiện đại. Nó thôi thúc nhiều người không thể ngồi yên nếu chưa được nếm thử, "không đu trend đời không nể".

Ngày Cá tháng Tư năm nay, một quán trà sữa ở quận 10, TP Hồ Chí Minh công bố mở bán trà sữa hành lá. Tưởng đâu là lời nói dối tháng Tư, nhưng hóa ra lại là thật. Nhưng món mới chẳng tồn tại lâu, khi chỉ một ngày sau đó, quán đã gỡ trà sữa hành lá khỏi nền tảng giao đồ ăn. Nhưng những món độc, dị, lạ kết hợp cùng trà chưa dừng lại ở đó, nhiều biến thể khác như trà sữa ớt, trà chanh móng heo, trà xanh mắm tôm… cũng lần lượt xuất hiện. Điểm chung là thành chủ đề thảo luận rất rôm rả trên mạng xã hội, nhưng để tìm quán nào dám bán lâu dài thì lại không dễ. Những món ăn kỳ dị này bảo ảnh hưởng đến sức khỏe ngay thì chưa, nhưng lâu dài chắc chắn là có.

Trào lưu ẩm thực - Từ kỳ lạ đến kỳ dị - Ảnh 2.

Trà sữa hành lá...

Trào lưu ẩm thực - Từ kỳ lạ đến kỳ dị - Ảnh 3.

đến trà sữa mắm tôm...

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: "Có thể là hai món ăn cùng là thực phẩm sạch kết hợp với nhau sẽ không gây rối loạn tiêu hóa ngay. Nó có thể dẫn tới thừa cân béo phì, bệnh lý về tim mạch và tiểu đường. Ví dụ một cốc trà sữa và chân trâu đã phải 5-600 kcal rồi thêm bát mỳ 500-600 kcal nữa một lúc các bạn ăn quá nhiều năng lượng. Đa phần là chất béo bão hòa mà ăn nhiều chất béo bão hòa dẫn tới rối loạn lipit máu….".

Ranh giới giữa sáng tạo và thảm họa ẩm thực

Có thể tạm chia cách thức tạo ra trào lưu ẩm thực theo 2 hướng.

Hướng 1 tập trung vào marketing. Tức là đầu tư vào câu chuyện, tạo ra một khung giờ mới, đặt tên món độc lạ để nhiều người phải trầm trồ hay ra chương trình khuyến mãi nhân một sự kiện nóng. Ngày nay không chỉ hàng quán vỉa hè, chính những chuỗi cửa hàng lớn cũng phải bắt trend theo hướng này để tồn tại trong một thị trường giàu tính cạnh tranh.

Nhưng ở chiều ngược lại, nếu bắt trend nhưng không hợp lý thì cũng dễ bị "trend đè", lại thành phản cảm. Như câu chuyện của một nhãn hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng tại thị trường Việt Nam, vào hồi tháng 5 năm nay, bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội khi dùng cái chết thương tâm của một chàng game thủ si tình để "đu trend" tung chương trình quảng cáo.

Cách thức thứ 2 để tạo nên trào lưu ẩm thực, nhiều khả năng mang tới hiệu ứng ngay tức thì. Đầu tư tạo ra một món ăn mới với những nguyên liệu mà sự kết hợp có thể khiến nhiều người phải giật mình.

Rõ ràng nếu gây sốt dựa trên câu chuyện thì dù khi xu hướng thoái trào, vẫn có thực khách tới ăn. Nhưng nếu những món ăn được tạo nên chỉ để tăng lượt tương tác thì hệ quả dễ thấy là sớm nở chóng tàn.

Ranh giới giữa sáng tạo và thảm họa ẩm thực chung quy vẫn do thực khách quyết định. Món nào hợp khẩu vị, hợp nhãn quan thì sẽ tồn tại lâu dài, còn ngược lại thì chẳng mấy mà chỉ còn là câu chuyện để tạo tương tác trên mạng xã hội.

Nếu vẫn cứ tiếp tục nghĩ việc tạo ra những món ăn gây shock là chiêu thức marketing của thời đại mới, trong khi sau đó không thể tự tạo nên những sản phẩm chất lượng thì không ai có thể dám chắc được sự chỉ trích hay những phản ứng ngược có thể còn đi xa đến đâu nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước