Trào lưu "trì hoãn để thành công" của giới trẻ

Tiến Tú, Linh Chi, Hoàng Hải, Anh Nguyên-Thứ ba, ngày 28/05/2024 21:42 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay, tình trạng trì hoãn công việc ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Một số bạn trẻ còn coi đây là "trào lưu trì hoãn để thành công".

Hiện nay, tình trạng trì hoãn công việc ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ. Nhiều người thường lên kế hoạch nhưng không bắt tay vào làm ngay, hoặc đang làm lại bỏ dở và nói "thôi để đấy mai làm". Thói quen này đã trở thành một căn bệnh chung, đặc biệt khi những việc quan trọng như ôn thi, cần vài tuần hoặc vài tháng để thực hiện, lại được dồn vào vài giờ cuối cùng. Thậm chí, một số người trẻ còn coi đây là "trào lưu trì hoãn để thành công".

Duy, một thanh niên sống tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, đã chia sẻ về việc lắng nghe nhạc Tết sớm để nhìn nhận lại những gì mình đã bỏ lỡ. Duy đã lên kế hoạch học mỗi ngày ba từ tiếng Anh, mỗi tháng đọc hai cuốn sách và tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, đến giữa năm, Duy chưa học được từ tiếng Anh nào, chỉ đọc nửa cuốn sách và tiết kiệm được hai triệu đồng. Duy nói: "Em nghĩ là kế hoạch 6 tháng đó chưa hoàn thành thì mình sẽ đặt ra một mục tiêu mới. Theo em thì, có áp lực mới có kim cương."

Điệp, một cô gái tại Hà Nội, đã từng nghiện đọc sách về phong cách sống hoàn hảo, nhưng lại không biết khi nào mới bắt đầu thay đổi bản thân. Điệp chia sẻ: "Có một khoảng thời gian em bị nghiện đọc những cuốn sách như vậy, đọc đến 5-6 cuốn trong một tháng. Nó an ủi động viên mình và ảo tưởng rằng mình sẽ thành công như những gì sách viết. Nhưng khi gấp sách lại khi đi ra ngoài thực tế thì mới ngỡ ngàng khi không áp dụng được nó vào cuộc sống."

Thói quen trì hoãn thậm chí còn trở thành một trào lưu trên mạng xã hội, bắt đầu từ một tài khoản của một sinh viên gốc Á tên Kay Chung. Cô chia sẻ về việc sử dụng cafe và nước tăng lực, ôn thi xuyên đêm vào những ngày cuối cùng để đạt được kết quả tốt. Với thành tích học được 780 trang trong một đêm, câu chuyện của Kay Chung đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia thử thách này, dù phải đánh cược cả điểm số và sức khỏe của mình.

Mạnh, một học sinh tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã áp dụng phương pháp của Kay Chung. Mạnh chia sẻ: "Em sẽ học từ 11h đêm đến lúc đi thi. Đi thi thì em nhớ được bài đó nhưng không nhớ được hết thôi. Đi thi thì có lúc em nhớ nhầm các đề với nhau."

Hương Ly, một cô gái tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cũng thừa nhận: "Bước ra khỏi phòng thi là chữ trong đầu mình nó cũng bay biến hết. Biết là có hại, mình phải uống thuốc vì thức ảnh hưởng đến tiêu hoá, dạ dày. Nhưng mình cũng đành phải chấp nhận."

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để hết tình trạng trì hoãn là mỗi bạn trẻ cần xác định rõ nguyên nhân và đặt ra những kế hoạch nghiêm túc cho bản thân. Đừng để vì chạy theo trào lưu mà đánh đổi cả sức khỏe và tương lai của mình. Trì hoãn có thể mang lại áp lực và tạo ra "kim cương", nhưng cái giá phải trả đôi khi quá đắt đỏ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước