Trường THCS Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi là ngôi trường đi đầu trong việc tiếp cận và triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN). Hiện các phòng học của trường đã hoàn thiện theo mô hình trường học mới. Nội dung dạy học cũng được thiết kế theo quy trình đảm bảo cho học sinh có khả năng tự học.
Tuy nhiên, qua 1 tuần triển khai, mô hình trường học mới đã bộc lộ nhiều bất cập bởi trường vừa có học sinh người Kinh lẫn dân tộc Hrê nên rất khó triển khai học nhóm. Ngoài ra, nhiều ngôi trường khác trong tỉnh lại không có đủ số phòng, bàn ghế và sách giáo khoa để dạy theo mô hình này.
Theo kế hoạch, đến ngày 24/8, tỉnh Quảng Ngãi sẽ triển khai mô hình trường học mới đồng loạt ở 22 điểm trường THCS, với 70 lớp 6. Tuy nhiên, hiện nay do trường lớp còn hạn hẹp, số lớp tổ chức học 2 buổi/ngày còn ít, số học sinh trong một lớp còn cao nên việc tổ chức cho học sinh học tập theo nhóm rất khó khăn. Đó là chưa kể việc giáo viên quen dạy theo phương pháp truyền thống "thầy nói, trò nghe" nay phải chuyển sang mô hình học mới với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chỉ là người hướng dẫn sẽ không phải là chuyện dễ đối với các huyện miền núi.
Không thể không gặp khó khăn khi triển khai bất cứ mô hình đào tạo mới nào, tuy nhiên cùng với nỗ lực vượt khó của các trường, ngành giáo dục cũng nên có sự chuyển tiếp cho từng mô hình đào tạo mới. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng cần có những động thái hỗ trợ về cơ sở vật chất; bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên; tăng cường công tác tuyên truyền, để tạo nhận thức mới trong cộng đồng về mô hình trường học mới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!