Trồng rừng ngập mặn: Chẳng thấy trang, đước đâu, chỉ toàn dấu chân người đi cào nghêu...

Nguyễn Sơn - Gia Long - Võ Hưng-Thứ sáu, ngày 03/07/2020 15:56 GMT+7

VTV.vn - Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, hiện có gần 200 ha diện tích rừng ngập mặn chưa đủ điều kiện bàn giao.

Nhiều diện tích rừng ngập mặn không đảm bảo nghiệm thu

Với đặc thù là tỉnh có đường bờ biển dài trên 200 km, Quảng Ninh có gần 20.000 ha diện tích rừng ngập mặn. Hệ sinh thái này không chỉ là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản, phục vụ đời sống của người dân mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ đê điều, là giải pháp của con người trong việc ứng phó với sự biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao.

Với vị trí và tầm quan trọng như vậy, việc phát triển 1.444 ha rừng ngập mặn trên địa bàn 6 huyện của tỉnh Quảng Ninh theo dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ven biển được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được thực hiện từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên tại một số lô khoảnh thuộc địa bàn thành phố Móng Cái, việc trồng rừng theo dự án vấn còn có những vấn đề tồn tại.

Lô số 10 thuộc phường Hải Yên nằm trong diện tích hơn 600 ha rừng ngập mặn được trồng trên địa bàn thành phố Móng Cái. Theo dự án được phê duyệt, lẽ ra hơn 200.000 cây đước đã phủ kín khoảng đất này từ năm 2017. Thế nhưng số cây này lại mới chỉ được trồng cách đây vài ngày và phần lớn đều đã bật gốc.

Trồng rừng ngập mặn: Chẳng thấy trang, đước đâu, chỉ toàn dấu chân người đi cào nghêu... - Ảnh 1.

Cách đó không xa, bên cạnh những cây rừng tự nhiên, nhiều cây rừng ngập mặn được trồng bổ sung theo quy hoạch của dự án cũng đã chết từ bao giờ. Một số vị trí chỉ còn trơ lại 3 cây cọc chống. Quản lý vùng rừng này nhiều năm, anh Nguyễn Hữu Hùng khẳng định diện tích rừng ngập mặn này không thể bàn giao vào cuối năm 2020 như mục tiêu dự án.

"Rừng này lẽ ra phải trồng từ năm ngoái, năm nay chỉ nghiệm thu thôi, trồng thế này thì không đảm bảo" - anh Nguyễn Hữu Hùng - Trạm trưởng trạm quản lý rừng phòng hộ Bắc Sơn - TP Móng Cái - Quảng Ninh cho hay.

Không chỉ cây chết hay vừa trồng đã bật gốc, nhiều khoảnh thuộc lô 11, 12 lẽ ra đã được phủ kín các loại cây trang, đước vòi thì đến giờ vẫn chỉ toàn dấu chân những người dân đi cào nghêu. Nỗi lo không có đủ diện tích rừng để nhận bàn giao đè nặng lên lãnh đạo ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái.

Khẳng định có việc cây mới trồng bật gốc hay một số diện tích rừng ngập mặn chưa đạt chất lượng, tiến độ theo kế hoạch, đại diện chủ đầu tư dự án cho rằng, có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc trồng rừng như cây giống, điều kiện tự nhiên hay sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện dự án. Tuy nhiên, với tất cả những diện tích rừng không đảm bảo điều kiện bàn giao, nhà thầu thi công sẽ phải tự bỏ tiền ra trồng lại cho đến khi đạt chất lượng.

Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh được triển khai trên diện tích 1.444 ha, với tổng mức đầu tư hơn 92 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, hiện có gần 200 ha diện tích rừng ngập mặn chưa đủ điều kiện bàn giao và sẽ phải tiếp tục hoàn thành vào cuối năm 2020.

Trồng rừng ngập mặn - Giải pháp hiệu quả chống biến đổi khí hậu

Trong nhiều cuộc họp ở cấp quốc gia, Chính phủ đã nhấn mạnh phải coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề đại sự, mang tính sống còn. Bên cạnh đầu tư xây dựng đê biển, trồng rừng ngập mặn là giải pháp quan trọng để giữ các vùng đồng bằng của Việt Nam.

Việc triển khai trồng, phục hồi rừng ngập mặn góp phần ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu, vừa tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng, hạn chế xâm nhập mặn, đồng thời nâng cao khả năng hấp thụ khí CO2, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ sinh thái ven biển.

Trồng rừng ngập mặn: Chẳng thấy trang, đước đâu, chỉ toàn dấu chân người đi cào nghêu... - Ảnh 2.

Mặt khác, nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên. Do đó người dân khai thác nguồn lợi thủy sản mà không cần phải đầu tư và chăm sóc con giống, nhờ đó đã góp phần nâng cao đời sống của người dân và cũng chính từ đó người dân có trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.

Bất cập trong việc triển khai trồng rừng ngập mặn

Hiệu quả từ rừng ngập mặn đã thấy rõ nhưng với cách triển khai trồng rừng như ở Móng Cái hiện nay, thật khó có thể đảm bảo hiệu quả của dự án. Trong khi rừng còn chưa trồng xong thì mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và chủ rừng ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Đã 5 ngày liên tục, lực lượng bảo vệ của ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái tiến hành ngăn chặn việc trồng rừng ngập mặn của công nhân thuộc công ty cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng Quảng Ninh, đơn vị được ban quản lý trồng rừng Việt Đức giao thi công tại phường Hải Yên. Theo lý giải của lực lượng chứ năng, đơn vị thi công không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì cấp phép cho việc trồng rừng tại khu vực này.

Công nhân của đơn vị thi công thì cho rằng, họ không có gì sai khi dự án đã được phê duyệt, có số lô, số khoảnh trên bản đồ. Những người công nhân này cũng không trồng mới mà chỉ cắm cọc chống cho cây khỏi bật gốc khi thủy triều lên.

Trồng rừng ngập mặn: Chẳng thấy trang, đước đâu, chỉ toàn dấu chân người đi cào nghêu... - Ảnh 3.

Người phụ trách kỹ thuật được ban quản lý trồng rừng Việt Đức giao giám sát công trình. Theo lý giải của đơn vị này, mặt bằng dự án đã được phê duyệt, bàn giao từ năm 2015 nên đơn vị thi công cứ thế tiến hành theo từng giai đoạn. Ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái chỉ nhận bàn giao từ thành phố Móng Cái sau khi rừng đã đủ điều kiện kỹ thuật.

Đại diện ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái lại cho rằng, đã trồng cây trên đất của họ thì họ phải nắm được kế hoạch, sơ đồ trồng rừng. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chủ rừng lập biên bản, yêu cầu đơn vị thi công dừng mọi hoạt động, rời khỏi hiện trường.

Dự án chậm tiến độ, cây mới trồng liên tục bật gốc do không được chống đỡ, còn công nhân phải nghỉ việc. Theo giám đốc ban quản lý dự án trồng rừng Việt Đức, nguyên nhân dẫn đễn sự mâu thuẫn này là do trong biên bản bàn giao tài liệu, chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái không có trong thành phần được nhận. Để kịp tiến độ của dự án, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị có liên quan phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ dự án để tiếp tục triển khai trồng rừng theo kế hoạch.

Đổi mới phương pháp trồng rừng ngập mặn

Bên cạnh một số vấn đề còn tồn tại thì cũng không thể phủ nhận việc trồng rừng ngập mặn đã góp phần tích cực chống biến đổi khí hậu, đem lại nguồn sinh kế mới cho hàng nghìn người dân Quảng Ninh.

Rút kinh nghiệm từ những dự án trồng rừng ngập mặn trước đây, một số dự án mới triển khai đã có những sự thay đổi rõ rệt trong phương thức trồng rừng nhằm nâng cao hiệu quả và tiến độ của dự án.

Một phần của dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển đang được triển khai tại xã Hải Tiến - TP Móng Cái. Với 9.000 ha rừng được trồng mới trên 8 tỉnh, toàn bộ công nhân trồng rừng được tuyển chọn từ người dân địa phương thay vì giao khoán cho các nhà thầu như trước đây. Người dân vừa có ý thức bảo vệ những diện tích rừng do chính mình trồng, lại vừa có được nguồn lợi khi tham gia vào hoạt động này.

Để đảm bảo không xảy ra tình trạng cây bật gốc hay chết non, quy trình trồng rừng ngập mặt cũng được đào tạo cho từng người dân.

Rút kinh nghiệm việc thiếu cây giống trong quá trình trồng rừng ngập mặn, những dự án được triển khai từ năm 2019 đều được chuẩn bị cây giống từ trước đó 2 năm. Đảm bảo cây đạt đủ chiều cao, số lá và bộ rễ đúng theo quy định trước khi trồng rừng.

Móng Cái là đơn vị đầu tiên trong 7 huyện của tỉnh Quảng Ninh trồng thí điểm 150 ha rừng ngập mặn theo dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển. Hiện toàn bộ diện tích rừng trồng này đều sinh trưởng và phát triển tốt, là tiền đề để tiếp tục triển khai trồng mới 1.800 ha rừng ngập mặn ven biển trên toàn tỉnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước