Trung thu miền Bắc năm 1969
Những hình ảnh mùa Tết Trung thu năm 1969 ở miền Bắc rất đặc trưng của một ngày Tết Trung thu cổ truyền. Đèn ông sao, những chiếc mặt nạ bằng giấy, mâm cỗ trung thu với những thức quà bánh giản dị. Người lớn, trẻ con rước đèn phá cỗ trong tiếng nhạc tưng bừng. Đó là những hình ảnh mà có lẽ rất nhiều người khi xem lại sẽ cảm thấy bồi hồi, xúc động.
Những năm 2000, mọi người vẫn có thể thấy những hình ảnh này ở các vùng quê nhưng trong khoảng trên dưới 10 năm trở về đây, Tết Trung thu đã có rất nhiều thay đổi.
Bánh Trung thu cũng có nhiều loại, nhiều hương vị hơn, đồ chơi Trung thu không chỉ có đèn ông sao, đèn kéo quân… mà rất đa dạng phong phú. Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là những thứ thuộc về truyền thống vẫn luôn được trân trọng, yêu mến như chiếc đèn ông sao.
Đồ chơi Trung thu truyền thống chiếm lĩnh thị trường
Những chiếc mặt nạ giấy bồi được chị Lê Thanh Duyên chọn dành tặng cho các cháu của mình.Trung thu năm nào chị cũng tìm mua những món đồ chơi truyền thống. Theo chị, đồ chơi truyền thống không chỉ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các chất liệu từ giấy, tre, nứa gần gũi, đảm bảo an toàn mà còn mang ý nghĩa đặc biệt, khác hẳn với đồ chơi hiện đại.
Mặt nạ giấy bồi - Một loại đồ chơi Trung thu truyền thống được ưa chuộng.
Còn với các bạn trẻ, Trung thu là dịp để tìm hiểu về truyền thống của dân tộc nên nhất định trong mâm cỗ trông trăng phải có những đồ chơi truyền thống như trống, đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi.
Hơn 20 năm bán hàng trên phố Hàng Mã, anh Trần Thanh Tú cho biết, 2 năm gần đây, người tiêu dùng bắt đầu ưa chuộng đồ chơi truyền thống Việt Nam hơn hẳn so với các loại đồ chơi từ Trung Quốc. Chính vì vậy, thay vì nhập đồ chơi điện tử với số lượng lớn như trước đây, mùa Trung thu năm nay, nhiều tiểu thương tại Hàng Mã, Lương Văn Can đã ưu tiên các loại đồ chơi thủ công được sản xuất tại các làng nghề và chính từ nghệ nhân ở phố cổ.
Giá cả phải chăng, chất liệu làm thân thiện, cách chơi đơn giản là những yếu tố cốt lõi để đồ chơi trung thu truyền thống cạnh tranh với các loại đồ chơi khác.
Chặn đầu xe múa lân xin tiền
Múa lân trên phố, múa lân xin tiền làm xấu hình ảnh Tết Trung thu. Ảnh: TTXVN.
Những giá trị truyền thống đang dần được chú trọng hơn, đó là điều đáng mừng. Nhưng bên cạnh đó, không thể phủ nhận, Trung thu thời nay đã có rất nhiều thay đổi, có những điều đã bị mai một, thậm chí có những thứ đã bị biến tướng, làm sai lệch những giá trị của ngày tết ý nghĩa này.
Hình ảnh được camera hành trình của một chiếc ô tô ghi lại trên tuyến đường khu vực cầu Mây, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho thấy khi ô tô đi trên đoạn đường vắng và không có đèn đường hai bên, một nhóm thanh thiếu niên bất ngờ đứng chắn giữa đường. Một vài thanh niên mặc trang phục múa lân, một vài thanh niên khác thì chạy ra ô tô để xin tiền. Sau khi clip được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người khác cũng để lại bình luận là đã rất nhiều lần gặp tình huống tương tự, đây không phải là vụ việc cá biệt.
Việc làm này không chỉ gây mất an toàn giao thông, mà còn làm xấu đi hình ảnh của một hoạt động truyền thống rất tốt đẹp.
Ngày xưa, những nhóm múa lân sẽ đến từng nhà, ai có gì cho nấy, quả bưởi, gói kẹo… và tất cả kẹo bánh xin được sẽ mang về sân đình cho trẻ con phá cỗ. Còn ngày nay, không ít thanh thiếu niên đã lợi dụng để đi xin tiền hay là ép phải cho tiền. Và tất nhiên là chẳng ai biết số tiền ấy sẽ được sử dụng để làm gì. Múa lân múa rồng - một đặc sản của ngày Trung thu giờ lại là chiêu trò xin tiền phản cảm.
Bánh Trung thu - Bánh ngoại giao
Trung thu không thể thiếu bánh Trung thu và cũng không đơn giản là bánh nướng bánh dẻo vị thập cẩm mà muôn vàn hương vị và hình dáng khác nhau. Câu chuyện về những chiếc bánh sau đây có lẽ sẽ khiến cho không ít người giật mình vì thấy hình ảnh của mình trong đó.
Nếu như những chiếc bánh ngày xưa chỉ là thức quà trên mâm cỗ Trung thu thì ngày nay, nó đã trở thành những món quà biếu, một cái cớ ngoại giao. Chẳng thế mà có những hộp quà lên đến cả chục triệu đồng. Phú quý sinh lễ nghĩa từ những chiếc bánh nhỏ nhoi.
Trung thu là Tết thiếu nhi
Cớ sao người lớn lại đi chơi nhiều?
Đi nhiều rồi mới làm liều
Làm liều thì có nhiều điều không hay.
Một đoạn thơ có tính chất châm biếm khi mà Trung thu giờ đã trở thành một dịp để người lớn ngoại giao, quà cáp, tăng cường các mối quan hệ. Món quà chắc chắn không thể thiếu dịp này chính là bánh Trung thu. Có cầu thì ắt có cung, một cuộc chạy đua về chất lượng, mẫu mã thậm chí giá cả trên trời cho những hộp bánh trung thu, đang ngày càng khốc liệt.
Từ những hộp bánh rất đẹp được bày bán đại trà trên vỉa hè, giá chỉ vài trăm nghìn đồng cho tới những hộp bánh rất cao cấp chỉ được bày bán trong các khách sạn sang trọng. Dù giá bán cao ngất người từ triệu tới vài chục triệu đồng/hộp bánh nhưng hàng vẫn hết từ rất sớm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong hộp bánh Trung thu có giá 25 triệu đồng, riêng tiền chai rượu vang đã được báo giá bán lẻ ngoài các shop rượu với giá thậm chí còn hơn 27 triệu đồng.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, Trung thu những năm gần đây là dịp mà làn sóng quà tặng mạnh mẽ đến mức chỉ sau dịp Tết cổ truyền của Việt Nam. Phú quý sinh lễ nghĩa, khi cuộc sống vật chất đi lên, các món quà tặng cũng cầu kỳ, bắt mắt và đắt tiền hơn.
Những chiếc bánh Trung thu chỉ là cái cớ, giá trị hộp bánh lại nằm ở chai rượu và đôi khi là cả thương hiệu được đính lên hộp bánh.
Tết Trung thu giờ đã không còn chỉ là Tết thiếu nhi, Tết đoàn viên mà có lẽ nó còn gánh thêm tên gọi "Tết ngoại giao" với những chiếc bánh ngoại giao đôi khi đầy khiên cưỡng.
Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, tất nhiên có nhiều thứ sẽ thay đổi theo. Tuy nhiên, chắc chắn ai cũng sẽ mong những điều truyền thống tốt đẹp sẽ luôn được trân trọng và còn mãi với thời gian. Hãy giữ cho con trẻ một ngày Tết Trung thu hồn nhiên và đúng là một ngày Tết của thiếu nhi. Trung thu trên hết vẫn là dịp đoàn viên và những ký ức đẹp của trẻ thơ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!