Khi chậm chạp là điều xa xỉ
"Nhất cự ly, nhì cường độ" - đây một công thức truyền miệng cho thấy tỷ lệ thuận giữa thành công và tốc độ xử lý vấn đề, và rõ là nó không chỉ đúng trong trường hợp của những thanh niên cô đơn - FA muốn thay đổi số phận của mình. Nó còn đúng trong nhiều trường hợp khác nữa, chậm chạp quả là 1 điều xa xỉ trong cuộc sống này:
Các đối tượng tạt sơn khủng bố người nhà con nợ
* Đã vay thì phải trả, mà phải trả sớm, trả đủ. Nếu không, ngày trễ hẹn sẽ là ngày cửa nhà con nợ trở thành nơi nhộn nhịp, màu sắc và nặng mùi nhất cả phố. Vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết khởi tố và bắt tạm giam 1 nhóm gồm 6 đối tượng cho vay nặng lãi. Băng nhóm này từng 13 lần liên tiếp đến khủng bố, tạt sơn, chửi bới, đập phá, ném chất bẩn người nhà con nợ gây hoang mang dư luận.
* Cùng 1 diện tích rừng và cùng là khoảng thời gian 6 năm, 1 bên nhận về 600.000 đồng - định mức giao khoán bảo vệ rừng ; 1 bên thu về gần 100 triệu đồng nếu trồng keo hoặc bồ đề. Trong khi cơ quan chức năng còn lúng túng chưa tìm ra biện pháp đối phó thì việc lựa chọn giữa 2 con số trên là quá đơn giản với người dân. Khi chính những người dân vùng lõi yêu cây công nghiệp ngắn ngày hơn, họ đang tự tay giết rừng nguyên sinh. Nếu cứ từ từ thì thay vì bảo vệ rừng sẽ là những đợt giải cứu người bị nạn sau những vụ sạt lở khi rừng đã mất.
* Có thể một làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Kịch bản không có gì mới, vẫn là những người nhập cảnh trái phép mang theo mầm bệnh, ngay lập tức một số khu vực tại Phú Quốc, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương … đã được cách ly, kéo theo đó danh sách hàng trăm trường hợp cần truy vết, kiểm tra y tế. Tất cả đều gói gọn trong chữ "thần tốc". Mỗi một tích tắc chậm chạp là thêm 1 gánh nặng chẳng thể lường trước trong công tác chống dịch. Đúng là để mai thì có khi chẳng còn gì mà tính.
Giá như có ai đó có thể đoán trước được diễn biến
* Ngày 19/3, Chính phủ Pháp phải tái phong tỏa thủ đô Paris vì diễn biến mới của dịch bệnh, đến ngày 25/3, thì khách sạn Paris ở Hải Phòng bị phong tỏa. COVID-19 thật khó lường, giá như có ai đó có thể đoán trước được diễn biến của nó thì hay biết mấy. Còn một khi đã có những ca lây nhiễm trong cộng đồng, ta chỉ còn cách tuân thủ nghiêm thông điệp 5K và đuổi theo con virus thật nhanh mà thôi.
* Hệ quả của sự chậm chạp thường có tính tích luỹ, cứ dần dần - từ từ, đó là cách nó ngụy trang, ru ngủ chúng ta, để rồi chúng ta chỉ nhận ra hệ quả âm thầm của nó khi sự đã rồi, như câu chuyện về đôi chân của Quả bóng vàng Việt Nam 2019 - Đỗ Hùng Dũng.
Hùng Dũng bắt đầu tập đi với nạng sau 2 ngày được phẫu thuật
Thông thường, chỉ khi khung thành bị đặt trong tình huống nguy hiểm hoặc giữa 2 cầu thủ đã có sẵn hiềm khích cá nhân thì những pha bóng rùng rợn như thế mới có lý do để xuất hiện. Cả 2 dấu hiệu này đều không có giữa Hùng Dũng và Hoàng Thịnh. Họ cùng là tuyển thủ quốc gia, họ là bạn bên ngoài sân cỏ và vẫn để lại trên Facebook của nhau những lời bình luận thân thiết.
Pha bóng diễn ra trong tích tắc, người ta chỉ kịp phản xạ theo thói quen. Thói quen trên sân cỏ thì không tự nhiên mà có, nó là kết quả của cả một quá trình rèn luyện, phản ánh môi trường bao quanh của cả trọng tài và cầu thủ. Họ đã quen với những tình huống thô bạo và nếu bóng đá Việt Nam còn chậm trễ thay đổi những nếp nghĩ và thói quen xấu xí, thì chắc chắn đây không phải là lần cuối cùng chúng ta thấy những khuôn mặt hốt hoảng vì lỡ chân trong tích tắc và những đôi chân vàng tập tễnh tập đi.
Đầu tư đất ven sông Hồng: Có thật chậm là mất cơ hội?
bất động sản ven sông Hồng sốt dù dự án thì chưa được mở bán, quy hoạch thì chưa được công bố
Thay đổi từng chút còn hơn là không có gì, càng chậm thì ngày mai lại càng không biết phải tính thế nào. Trong kiếm tiền, đặc biệt là với những "người chơi hệ đầu cơ", chậm chạp dường như là điều tối kỵ. Chậm là chết, chậm là mất cơ hội. Vậy nên chỉ cần nghe phong thanh thông tin về một dự án hoặc quy hoạch sắp được phê duyệt, nhiều người lại lập tức hăm hở xông lên với tinh thần "để mai thì còn gì mà tính".
Sắp có quy hoạch ven sông Hồng - đó là thông tin mà giới bất động sản Hà Nội đang đứng ngồi không yên, truyền tai nhau để chớp thời cơ kiếm lời. Người ra kẻ vào, tụ họp náo nhiệt không khác gì một hội chợ bất động sản. Chỉ có điều dự án thì chưa được mở bán, quy hoạch thì chưa được công bố.
Hiện có 2 xu hướng đầu tư ở ven sông Hồng. Thứ nhất là mua gom để chờ đền bù và thứ 2 là đầu tư lướt sóng, đẩy giá tăng rồi bán kiếm lời. Giờ hãy nhìn kỹ hơn vào khả năng kiếm lời trong hoàn cảnh hiện nay ở cả 2 trường hợp. Ở trường hợp đầu tiên, nếu ôm đất đợi đền bù thì sao?
Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: "Nếu vào các dự án đường do Nhà nước phát triển, đền bù theo giá chung, thì rất khó kiếm lợi. Rất rủi ro, vào trong khu muốn chuyển đổi, thì phải vào làng xóm mua".
Vậy là khả năng thu lời của trường hợp 1 đã rõ - rất khó. Còn trường hợp 2 - đầu tư lướt sóng thì sao?! Bản chất của lướt sóng là lợi nhuận kiếm được hoàn toàn dựa vào dao động của giá chứ không phải là giá trị của lô đất. Vì thời gian ngắn, giá trị không thể tăng thêm chút nào.
Lúc này, có một lý thuyết trong đầu tư rất phù hợp để nhắc tới, nó mang tên là "Greater Fool Theory" - tạm dịch là "Kẻ ngốc hơn". Thế nhưng tôi nghĩ, đồng tiền liền khúc ruột. Khi đã cầm cả tỷ đồng, thậm chí là cả chục tỷ đồng đi đầu tư, thì chẳng có ai ngốc cả.
Vậy nên gọi là "kẻ tham lam hơn" có lẽ sẽ chính xác hơn. Và nếu thay tất cả từ "ngốc" bằng "tham lam", thì lý thuyết này có thể hiểu như sau: một nhà đầu tư sẽ mua 1 sản phẩm với bất kì mức giá nào mà không cần quan tâm đến chất lượng của sản phẩm đó, bởi tin rằng: có thể nhanh chóng bán chúng cho một kẻ khác, tham lam hơn và liều hơn. Chỉ khi chẳng còn ai tham lam hơn chịu xuống tiền, bong bóng giá sẽ vỡ, lúc này người tham lam cuối cùng mới biến thành "kẻ ngốc".
Chữa COVID-19 bằng ợ, khạc nhổ: Đừng nhanh mà vội vàng
Tấm card visit quảng cáo chữa bách bệnh
Nhanh thì thường là có ưu thế nhưng nhanh mà hành động thiếu thông tin thì chẳng khác nào tự bịt mắt lại và chạy băng băng qua chiếc cầu khỉ.
Lúc này, chậm mà chắc lại là điều cần thiết, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà ta chưa tường tận. Bởi trong nghệ thuật "thuyết phục và gây ảnh hưởng", có 1 cách đơn giản để chiếm lòng tin của người khác. Đó là hãy nói thật rõ ràng, chi tiết về 1 điều nằm ngoài tầm hiểu biết của đối phương. Còn việc điều đó có thật hay không thì cũng chẳng quá quan trọng.
Muốn thuyết phục người bệnh về cơ sở chữa bệnh uy tín, đầu tiên cần nhận diện tốt, rõ ràng và đầy uy tín, tấm card visit là điều cần thiết. Cần in rõ các loại bệnh có thể chữa, thật ra là bệnh gì cũng được, ung thư cũng tốt mà COVID-19 thì lại càng đúng xu thế. Càng bệnh khó, càng dễ kiếm tiền.
Khi người bệnh tới khám, họ đã tin một nửa, nửa còn lại là lúc đưa ra những phương pháp và lý giải càng độc lạ, càng mơ hồ càng tốt. Nào là ợ, là nhổ nước bọt, là nôn ọe vân vân được liệt kê chi tiết, kèm bảng báo giá chuyên nghiệp.
Ợ và nhổ nước bọt liên tục 1 tiếng đồng hồ, đấy là với một bệnh nhân mà thôi. Cứ nhìn tập tiền trên bàn tay này là đủ biết, 1 ngày cô Thịnh phải nỗ lực ợ và khạc nhổ nhiều đến thế nào, đấy là còn chưa nói đến nôn oẹ. Nếu có một cuộc thi tài năng mà "vệ sinh" là tiêu chí có thể bỏ qua, thì tôi tin cô Thịnh sẽ là ứng viên sáng giá.
Nhưng cơ quan công an không phải là sân khấu của cuộc thi như vậy. Có lẽ hiểu điều đó nên cô Thịnh đã tuyệt nhiên không khạc nhổ, ợ hơi, hay nôn ọe gì khi được mời tới làm việc. Cô cũng hứa sẽ không tái phạm hành vi khám bệnh mê tín dị đoan của mình.
Người bệnh vội vàng tin rồi mất tiền oan vào chiêu trò lừa đảo. Giữa "Nhanh" và "Vội vàng" ranh giới lại thật mong manh. Đôi khi "để mai tính" cũng tốt, muốn nhanh thì phải từ từ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!