Đây là dự án thí điểm thành công đầu tiên của Việt Nam về xuất khẩu tín chỉ carbon, mang về nguồn thu bền vững từ rừng cho người dân, địa phương. Với diện tích rừng lớn, Việt Nam cần tận dụng thị trường tín chỉ carbon ra sao? Cơ chế, chính sách cho thị trường này như thế nào?
Hơn 41 triệu USD từ bán tín chỉ carbon là số tiền từ rừng đầu tiên từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới. Số tiền này được chuyển về cho các địa phương để chi trả cho các chủ rừng, người dân địa phương và cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là thỏa thuận đầu tiên về giảm phát thải được triển khai thành công ở nước ta, mang về 1 khoản tài chính lớn, góp phần quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống cho người dân.
THÍ ĐIỂM THÀNH CÔNG GIẢM PHÁT THẢI THÔNG QUA BẢO VỆ RỪNG
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là 6 tỉnh tham gia thực hiện Thỏa thuận giảm phát thải thông qua bảo vệ rừng. Hiện đã có hơn 3,1triệu ha đất có rừng với độ che phủ gần 58%, chiếm hơn 21,2% diện tích rừng của cả nước, thúc đẩy việc chuyển nhượng tín chỉ carbon.
Trong giai đoạn 2010-2020, lượng phát thải trung bình trong lâm nghiệp là 30,6 triệu tấn, chỉ bằng 1/2 so với lượng hấp thụ trung bình đạt khoảng 69,9 triệu tấn. Điều này cho thấy thành quả trong quản lý, bảo vệ rừng, góp phần hấp thụ carbon.
Hiểu đơn giản tín chỉ carbon sẽ như 1 loại hàng hoá. Bên mua (nơi phát thải nhiều) cần tín chỉ carbon để thực hiện các cam kết, nghĩa vụ giảm phát thải nhà kính. Còn bên bán là nơi có năng lực giảm phát thải.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ trên 42%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Theo nghiên cứu, nếu áp dụng diện tích từng loại rừng ở từng vùng thì tổng lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn.
Sau thành công trong việc thí điểm chi trả Giảm phát thải khí nhà kính tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, hiện nay, nhiều địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn, đang bảo vệ tốt đã sẵn sàng có thể sớm được thực hiện các chương trình chi trả các bon từ rừng.
Hiện đã có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Để phát triển thị trường carbon ở nước ta cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ. Một số quốc gia đã đưa vào vận hành sàn giao dịch carbon.
SÔI ĐỘNG SÀN GIAO DỊCH CARBON QUỐC TẾ
Tháng 9, Indonesia đã khai trương sàn giao dịch carbon đầu tiên, hạn chế tác động đến khí hậu của ngành điện phần lớn sử dụng than của nước này. Sàn giao dịch carbon này có thể tạo ra một nền kinh tế bền vững mới, ước tính đạt trị giá tiềm năng ít nhất 194 tỷ USD. Ít nhất 13 giao dịch đã được tiến hành vào đầu phiên giao dịch với hơn 459 nghìn tấn carbon được trao đổi.
Tháng 10, sàn chứng khoán Tokyo cũng đã mở một nền tảng để giao dịch tín chỉ carbon nhằm thúc đẩy phi carbon hóa trong khu vực tư nhân. Hoạt động giao dịch này cho phép các công ty mua và bán "J-Credit", một loại tài sản được Chính phủ Nhật Bản chứng nhận cho các tổ chức đã giảm phát thải CO2 thông qua sử dụng năng lượng tái tạo, trồng cây và nhiều biện pháp khác.
Hiện đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí thải nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2.
Ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD. Rừng là tài nguyên thiên nhiên. Và tài nguyên có thể tái tạo được. Nhưng nếu sử dụng không hợp lý, hay xâm hại, khai thác rừng, thậm chí đến mức kiệt quệ.. rồi sẽ đến lúc rừng bị suy thoái không thể tái tạo lại. Thay vào đó, càng có nhiều diện tích rừng được quản lý, bảo vệ và phủ xanh thì càng có nhiều tín chỉ carbon được quy đổi và đây sẽ trở thành khoản tiền - hay nói cách khác, nguồn lợi bền vững cho chính người dân.
Ông Phạm Hồng Lượng - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!