Hiện đã có 59/63 tỉnh/thành phố được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, trong đó có quy hoạch hạ tầng các khu xử lý chất thải rắn, cũng như các điểm trung chuyển, tập kết rác. Tuy nhiên hầu hết đều đang gặp khó khăn trong thu hút đầu tư xây dựng các dự án này.
Theo kế hoạch, đến thời điểm này, nhà máy xử lý rác của Công ty môi trường T&T trên địa bàn xã Chỉ đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên sẽ đi vào hoạt động, xử lý gần 600 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày. Tuy nhiên dự án đã bị chậm tiến độ gần 40 tháng. Khu vực triển khai nhà máy xử lý rác vẫn đang được quây tôn.
Nguyên nhân do tỉnh Hưng Yên là một trong những địa phương chưa được phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh, nên ngay từ thời điểm ban đầu triển khai tỉnh và nhà đầu tư chưa xác định được khu vực này sẽ xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ gì.
Vấn đề hạ tầng cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác vẫn còn nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, địa phương vẫn đang thực hiện theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn do Bộ Xây dựng ban hành năm 2013. Chính vì vậy, việc kêu gọi đầu tư khó khăn, khi chưa xác định được các nhà đầu tư phải xây dựng nhà máy bằng công nghệ gì ngay từ thời điểm ban đầu.
Còn tại tỉnh Lào Cai dù địa phương đã được phê duyệt quy hoạch nhưng hiện vẫn chưa thể thu hút các nhà đầu tư. Bãi rác Khánh Yên Thượng, bãi rác tập trung duy nhất ở huyện Văn Bàn đã quá tải từ cách đây hơn 1 năm và đang ngày càng ô nhiễm.
Trong điều kiện ngân sách khó khăn, hơn 2 năm qua, huyện đã nhiều lần kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư, nhưng đến nay chưa kêu gọi được nhà đầu tư nào.
Việc đầu tư các cơ sở hạ tầng cho xử lý, tác chế rác thải đang đặt ra cấp thiết nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra, đồng bộ với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về phân loại rác thải tại nguồn chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!