Để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng, qua đó hình thành văn hóa khi tham gia giao thông.
Theo thống kê của ngành chức năng, số vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến đường giao thông nông thôn hiện nay đang xếp thứ hai, sau số vụ tai nạn tại các tuyến quốc lộ; tỷ lệ tai nạn giao thông trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ và đường thôn, đường xóm chiếm 24%. Chính vì vậy việc tuyên truyền về tận thôn, bản, làng đang được đẩy mạnh, đặc biệt xuống tận từng nhà dân để tuyên truyền.
Người dân ở khu vực nông thôn khi tham gia giao thông thường vi phạm một số lỗi điển hình, như: đi không đúng phần đường quy định; chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ cho phép, điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia...
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
"Công an xã đã phân loại, xác định các đối tượng có nguy cơ có thể gây ra tai nạn giao thông, từ đó tổ chức các đợt tuyên truyền để răn đe, nhắc nhở các đối tượng này khi tham gia giao thông, do đó, ý thức tham gia giao thông của bà con đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa được nâng lên rõ rệt", Đại tá Phạm Gia Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lào Cai, cho biết.
Thực tế cho thấy, các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn phần lớn là do người tham gia giao thông chưa chấp hành nghiêm các quy định. Do vậy, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, góp phần đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho chính mình và cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!