Xử lý hình sự có ngăn được "cát tặc"?

Đặng Công (VTV9)-Thứ tư, ngày 23/12/2020 20:24 GMT+7

VTV.vn - Hoạt động vào ban đêm, phân công hoặc thuê người giám sát lại hoạt động của lực lượng Công an để né tránh, bất chấp xử lý hình sự, "cát tặc" vẫn lộng hành tại ĐBSCL.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc xử lý tình trạng sạt lở vẫn đang tích cực được triển khai. Nhưng trong khi còn hơn 100 điểm sạt lở chưa khắc phục xong lại phát sinh thêm hơn 60 điểm mới. Một trong những nguyên nhân chính là do nạn khai thác cát trái phép.

Xử lý hình sự có ngăn được cát tặc? - Ảnh 1.

Trong số những địa phương xuất hiện các điểm nóng về khai thác cát là tỉnh Đồng Tháp. Không chỉ có những đối tượng lén lút khai thác cát trái phép mà cả những mỏ được cấp phép cũng khiến người dân lo ngại.

Nhiều điểm nóng khai thác cát công khai

Đầu tháng 10/2020, những chiếc xáng vô tư múc cát gần khu vực cồn tự nhiên trên sông Tiền đoạn qua ấp 2 xã Thường Phước 2 huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Người dân địa phương lo ngại tình trạng này sẽ gây sạt lở cồn, ảnh hưởng đến bờ sông phía trong.

Xử lý hình sự có ngăn được cát tặc? - Ảnh 2.

Tàu khai thác cát trái phép hoạt động nhộn nhịp trên sông Tiền.

Xử lý hình sự có ngăn được cát tặc? - Ảnh 3.

Còn ở đoạn sông Tiền chảy qua khu vực xã An Hiệp, huyện Châu Thành có 2 mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp cấp phép hoạt động. Bên ngoài sông có 5 phao giới hạn khu vực khai thác nhưng bên trong bờ thì không. Đã nhiều lần, người dân chứng kiến các sà lan lén lút vào cặp bờ múc cát.

Hiện trên toàn địa bàn, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp 21 giấy phép khai thác khoáng sản cho 3 công ty. Thời gian qua, ngành chức năng đã tăng cường các giải pháp kiểm tra, giám sát hoạt động tại các mỏ nhưng không ít trường hợp cố ý làm sai.

Xử lý hình sự có ngăn được cát tặc? - Ảnh 4.

Các sà lan ngang nhiên mũ cát giữa ban ngày.

Ông Lê Quốc Anh - Phó Trưởng Phòng Tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN&MT Đồng Tháp cho biết, 2 nguyên nhân chính là do lợi nhuận của việc khai thác cát và tình trạng ngưng cấp phép khai thác của một số địa phương lân cận làm cho một số phương tiện thu mua cát tập trung về Đồng Tháp, gây ra tình trạng cầu vượt cung.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, năm 2020, sạt lở đã gây thiệt hại hơn 8,2 tỷ đồng làm mất hơn 3,1 ha đất. Hiện 35 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố đều có nguy cơ sạt lở cao. Khai thác cát được xem một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Lợi nhuận quá cao nên bất chấp làm liều

Thực tế thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực rất lớn để ngăn chặn nạn khai thác cát. Rất nhiều vụ khai thác cát trái phép đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, lợi nhuận quá lớn, một số đối tượng vẫn cố tình khai thác cát trái phép, bất chấp sự nghiêm cấm của pháp luật.

Xử lý hình sự có ngăn được cát tặc? - Ảnh 5.

Một tàu hút cát trái phép bị xử lý.

Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, sau thời gian tạm lắng, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn có dấu hiệu tăng. Các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, phân công hoặc thuê người giám sát lại hoạt động của lực lượng công an. Các phương tiện chúng sử dụng thường có công suất cao, khai thác gần bờ để dễ dàng tẩu thoát.

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện bắt giữ trên 30 vụ khai thác cát trái phép. Dù biết khai thác cát bị xử lý hình sự nhưng có nhiều trường hợp vẫn bất chấp, vi phạm đến 2 lần.

Các đối tượng vi phạm cho biết, do hoàn cảnh khó khăn mà giá cát tăng cao nên đành làm liều. Chính cái lợi trước mắt đã làm cho họ không nghĩ đến việc khai thác cát sẽ bị xử lý hình sự.

Tốn kém trong việc xử lý sạt lở

Vì lợi nhuận trước mắt mà khai thác cát, bất chấp bị xử lý hình sự. Điều này không chỉ gây bất ổn xã hội mà còn khiến nỗ lực ngăn chặn sạt lở của Chính phủ, các địa phương gặp thêm khó khăn. 

Để giải quyết bài toán này, ngoài việc tăng cường giám sát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm thì cần phải sớm có vật liệu thay thế cát trong xây dựng. Một khi nhu cầu về cát tạm lắng thì tình trạng khai thác cát trái phép sẽ giảm xuống. Trong khi đó, chính quyền trung ương và địa phương vẫn đang phải phân bổ những nguồn lực lớn cho việc ngăn chặn sạt lở.

Xử lý hình sự có ngăn được cát tặc? - Ảnh 6.

Hệ thống kè biển chống sạt lở ở ĐBSCL.

Theo Bộ NN&PTNT, 3 năm triển khai Nghị quyết 120, Chính phủ đã phân bổ hơn 6.622 tỷ đồng chống sạt lở cho vùng ĐBSCL. Bên cạnh các công trình cứng là các giải pháp mềm. Hơn 7.000 ha rừng trồng mới đã giúp ngăn ngừa xói lở bờ biển, cải thiện đời sống người dân.

Đước, mắm mọc xanh trên vùng bãi bồi của tỉnh Cà Mau. Khó ai ngờ, bờ biển khu vực này trước đây lại là khu vực bị sạt lở nghiêm trọng. Nhờ hệ thống kè biển được xây dựng, sạt lở ở vùng Mũi Cà Mau đã được ngăn chặn.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT sẽ bố trí khoảng 30.000 tỷ đồng cho các dự án cấp bách ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Bộ sẽ ưu tiên xử lý dứt điểm 111 điểm sạt lở còn lại ở vùng châu thổ này. Tuy nhiên, chừng nào tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn, số tiền này cũng sẽ như muối bỏ bể.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước