Đặc biệt gần đây, những cam kết vừa học vừa làm đang khiến phong trào du học Hàn Quốc, Nhật Bản được nhiều người chú ý. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều phụ huynh, học sinh rất băn khoăn về sự rạch ròi giữa một bên là du học với một bên là mượn cớ du học để đi làm. Điều này đòi hỏi các đơn vị tư vấn tuyển sinh phải thực sự minh bạch thông tin ngay từ đầu. Đây là một buổi tư vấn du học của Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh. Thay vì những lời hứa hẹn về sự hấp dẫn của cơ hội học tập, những người làm công tác tuyển sinh sẵn sàng phân tích hết khó khăn mà du học sinh sẽ phải lường trước trên đất khách quê người.
Cách nghĩ trên đây có thể sẽ hơi trái chiều với xu thế tư vấn tuyển sinh du học hiện nay. Bằng chứng là đang có tình trạng chạy theo số lượng của các đơn vị tư vấn khi mà chất lượng đầu vào của du học sinh thường bị hạ xuống đến mức rất thấp.
Dường như đang có một sự thiếu rạch ròi ngay từ đầu trong nhận thức của phụ huynh học sinh giữa một bên là đi du học và một bên là mượn cớ du học để được cấp visa nhập cảnh sang nước ngoài lao động kiếm tiền. Điều này đang tiềm ẩn những nguy cơ đổ vỡ tâm lý nếu trong quá trình du học cơ hội việc làm không được như ý.
Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 9 đơn vị được cấp phép làm nhiệm vụ tư vấn tuyển sinh du học. Năm 2014, toàn tỉnh có 224 học sinh đi du học tự túc tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2015 con số này là 272 em và năm 2016 lượng đăng ký dao động vào khoảng 250 em. Đến thời điểm hiện tại những du học sinh khóa đầu tiên vẫn chưa chuyển sang học chuyên ngành, nghĩa là họ vẫn chưa phải chấp nhận những thử thách thực sự trên đất khách. Thế nhưng qua nắm bắt của ngành chức năng cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng du học sinh Hà Tĩnh bỏ trốn để ra ngoài làm thêm. Còn ở trong tỉnh, hiện tượng tư vấn chui, tư vấn ngoài luồng bởi các tổ chức cá nhân không được cấp phép vẫn lén lút xảy ra.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!