Kinh tế Việt Nam vững vàng "vượt bão" COVID-19

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 11/07/2021 15:03 GMT+7

VTV.vn - Nhiều gam màu sáng của nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã được báo chí trong tuần tập trung đưa tin, phân tích.

Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận trong điều kiện "khó khăn trăm bề" như thời gian qua, qua đó khẳng định quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do dịch bệnh vừa qua, xuất khẩu vẫn giữ vững phong độ với kim ngạch đạt trên 157 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ. Một điểm nhấn là câu lạc bộ tỷ USD đã có 25 thành viên, trong đó 5 ngành hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD.

Kinh tế "vượt bão" dịch bệnh

Theo báo Thanh niên, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: điện thoại và linh kiện, điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, gỗ và các sản phẩm gỗ đều có mức tăng trưởng mạnh. Đây là kết quả của nỗ lực "dọn ổ" mà Chính phủ thực hiện để đón các "đại bàng" công nghệ trên thế giới tiếp tục mở rộng cũng như đầu tư mới vào Việt Nam. Các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế như nông, thủy sản cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế Việt Nam vững vàng vượt bão COVID-19 - Ảnh 1.

Xuất khẩu, nông, lâm, thủy sản đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Trong những thành tích chung của xuất khẩu, nông, lâm, thủy sản đang chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng. Nhìn vào con số giá trị xuất khẩu đạt hơn 24 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2020 của nông, lâm, thủy sản trong nửa năm qua thì rõ ràng những ngành sản xuất chủ lực này đã tạo ra đột phá mới.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Tạo đột phá mới

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh thời gian qua có gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả. Trong đó, gỗ và các sản phẩm từ có sự tăng trưởng bứt phá với kim ngạch hơn 8 tỷ USD nửa đầu năm nay, tăng mức kỷ lục gần 75% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sang 5 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tăng mạnh, theo báo Hà Nội Mới.

Còn tờ Nông thôn ngày nay thông tin: "Các thị trường lớn có tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đáng kể là Mỹ tăng tới 37%, châu Âu 21% và thị trường Khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng 12%...".

Xuất khẩu hàng hóa, tín hiệu khả quan

Đánh giá chung về xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm, đa số các báo đã có chung nhận định, đó là có nhiều tín hiệu khả quan.

Theo phân tích của Thời báo Tài chính, có một điểm đáng chú ý, đó là hệ số giữa tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng GDP trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt gần 5,7 lần. Chính hệ số cao này là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước.

Nhìn nhận tích cực về nhập siêu

Bên cạnh các tín hiệu khả quan, nhiều bài viết cũng lưu ý trong 6 tháng đầu năm nay, nhập siêu tăng cả về quy mô, cả về tỷ lệ với con số 1,47 tỷ USD. Đây là một điều cần lưu tâm khi một thời gian dài kinh tế Việt Nam đã "quen" với trạng thái xuất siêu.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: "Chúng ta cần nhìn nhận tích cực về nhập siêu", bởi đó chính là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp trong nước đang tích cực nhập nguyên liệu về để phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Do đó, câu chuyện nhập siêu ở đây báo hiệu một điều rất quan trọng là các đơn đặt hàng đã và đang đến với doanh nghiệp trong nước. Dẫu chưa ở mức có "của ăn của để", nhưng vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu, để tới đây có thể duy trì được cán cân thương mại và có thể trở lại xuất siêu, nhấn mạnh của tờ Công Thương.

Thu hút FDI: Nhiều điểm sáng

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới nhiều điểm tích cực trong thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài FDI trong 6 tháng qua. Trong đó, vốn đăng ký mới và tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Thông tin trên tờ Công Thương cho thấy, trong tổng số gần 15,3 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam nửa đầu năm nay, vốn đăng ký mới đạt 9,55 tỷ USD, tăng hơn 13% với cùng kỳ năm trước. Vốn tăng thêm của các nhà đầu tư từ 460 dự án đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng hơn 10%.

Kinh tế Việt Nam vững vàng vượt bão COVID-19 - Ảnh 2.

Vốn đăng ký mới và tăng thêm của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Đặc biệt, vốn vào Việt Nam đã "chất" hơn với số lượng các dự án quy mô lớn tăng, dự án quy mô nhỏ giảm đi. Theo Báo Kinh tế đô thị, chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ cao, đơn cử dự án LG Display Hải Phòng tăng vốn thêm 750 triệu USD, dự án của Intel tăng 480 triệu USD hay dự án của Foxconn tăng thêm 280 triệu USD. Theo thống kê, số lượng dự án đăng ký mới có quy mô trên 50 triệu USD tăng hơn 73% so với cùng kỳ.

Niềm tin vào Chính phủ có tầm và dám hành động

Trong số các bài báo đánh giá về kinh tế 6 tháng đầu năm nay, tờ Thanh niên đã trích ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu phân tích những nguyên nhân để có kết quả tích cực như vậy

Thiết thực, hiệu quả và tính hành động cao, đó là tóm lược của Tiến sĩ Trần Đình Thiên. Đơn cử như việc tuyên bố cắt giảm hơn 1.000 dự án đầu tư công trong tổng số hơn 6.000 dự án là ví dụ điển hình cho tính thiết thực, hiệu quả. Việc này chắc chắn sẽ mang lại thay đổi có ý nghĩa "nút thắt" của thể chế này, đó là cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia. Chỉ 1 tuần sau chỉ thị của Thủ tướng, 1.000 dự án đã được cắt bỏ.

Bài báo nhận định, việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao việc cụ thể, đôn đốc, giám sát thực thi và gắn với trách nhiệm cá nhân đã tạo ra niềm tin vào một Chính phủ có tầm nhìn và dám hành động.

Kinh tế Việt Nam có thể cán mốc 500 tỷ USD vào cuối năm Kinh tế Việt Nam có thể cán mốc 500 tỷ USD vào cuối năm

VTV.vn - Nhiều chỉ dấu cho thấy quy mô nền kinh tế Việt Nam có thể cán mốc 500 tỷ USD vào cuối năm nay.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước