Phiên họp đặc biệt: Cơ hội và thách thức trong thế giới công nghệ số phân khúc

CA-Thứ ba, ngày 29/10/2013 13:28 GMT+7

Sáng 29/10, các đại biểu của ABU GA 50 đã tham gia vào phiên họp đặc biệt “Nội dung đột phá: Cơ hội và thách thức trong một thế giới công nghệ số phân khúc” và chia sẻ nhiều quan điểm về chủ đề này.

Tham dự phiên họp đặc biệt có các đại biểu đại diện cho một số đài truyền hình tham gia thuyết trình như ông Gil Hwan Young (Đài KBS, Hàn Quốc), ông Jun Ogawa (Đài TBS, Nhật Bản), ông Tevita Gonelevu (Đài Fiji), ông Liu Changle (Đài Phoenix TV, Hong Kong)...

Các đại biểu đã trình bày những thách thức, khó khăn cũng như giải pháp khác nhau của từng đài truyền hình trong thế giới công nghệ số phân khúc. Khán giả ngày nay đã không còn xem ti vi nhiều như trước, sự phát triển vượt bậc của công nghệ với hỗ trợ của Internet đã khiến các chương trình truyền hình giảm đi sức hút. Khán giả đã chia thành nhiều phân khúc khác nhau và điều này chính là thách thức rất lớn cho ngành phát thanh, truyền hình.

Giờ đây, khán giả có thể xem các chương trình truyền hình ở bất cứ đâu khi họ có trong tay các thiết bị kỹ thuật số hiện đại như máy tính bảng, smartphone... Các công cụ truyền thông mới trong kỷ nguyên số như mạng xã hội, mạng chia sẻ video... phát triển vô cùng mạnh mẽ và ngày càng chứng tỏ sức mạnh trong kỷ nguyên Internet.

Chính vì vậy, ngành truyền hình của các nước cần phải tìm cách để tập hợp khán giả của mọi phân khúc dựa trên công nghệ web và kỹ thuật số. Thách thức này đòi hỏi các đài phát thanh truyền hình phải luôn sáng tạo và tiếp cận gần hơn khán thính giả nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao.

Đến từ Đài truyền hình KBS, Hàn Quốc, ông Gil Hwan Young cho biết KBS đã và đang đưa các chương trình truyền hình đến gần hơn với khán giả. Tiêu biểu trong số đó là chương trình ca nhạc Music Bank. Nhận thấy làn sóng âm nhạc Hàn Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ, đài KBS đã tổ chức những chương trình ca nhạc đặc biệt ở một số quốc gia như Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ... để giúp khán giả có cơ hội được xem trực tiếp các thần tượng biểu diễn. Sức ảnh hưởng của những show diễn đặc biệt này với sự tham gia của hàng trăm nghìn khán giả chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc họ chỉ được xem chương trình thông qua màn hình vô tuyến.

Đối với đài truyền hình TBS (Nhật Bản), với thế mạnh về các bộ phim truyền hình, TBS đã chủ động hợp tác sản xuất phim với một số đài truyền hình nước ngoài. Nổi bật trong đó có bộ phim The Partner (Người cộng sự) hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hay Moon cake hợp tác với Media Corp (Singapore).

‘ Các đại biểu tham dự phiên họp đặc biệt “Nội dung đột phá: Cơ hội và thách thức trong một thế giới công nghệ số phân khúc”

Đại diện cho đài Fiji, ông Tevita Gonelevu cho biết việc tận dụng được mạng xã hội chính là một yếu tố cần thiết. Ngày nay, với sự xuất hiện dày đặc của máy tính bảng hay điện thoại thông minh, sức ảnh hưởng mạnh mẽ của mạng xã hội hay sự tiện dụng của truyền hình Internet... vừa là cơ hội mới nhưng cũng là thách thức cho các đài phát thanh, truyền hình.

Đài truyền hình Fiji dựa trên những thay đổi của khán giả, sự phát triển của kỹ thuật, đã có thêm nhiều hình thức đưa tin mới như thành lập website riêng, tài khoản riêng trên Youtube hay Twitter, tạo ra những phần mềm tiện ích trên di dộng thông minh, đẩy mạnh thư viện Media và truyền hình trực tuyến.

Thông tin hiện đang tràn ngập khắp nơi và với khoảng thời gian hạn hẹp, khán giả có quyền quyết định xem gì, xem ở đâu và như thế nào. Vì vậy, các đài truyền hình phải bắt kịp và đáp ứng được nhu cầu đó với các cách đưa tin mới, dịch vụ mới, kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác giữa các tổ chức thành viên đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin nhanh, chính xác, đa dạng về mọi mặt đời sống xã hội của khán thính giả trên thế giới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước