Tết – những "ám ảnh" không muốn nghĩ đến
Tết là để vui, ấm áp, để được về bên gia đình. Nhưng, thời công nghiệp 4.0, Tết ngày càng như một nỗi ám ảnh khiến giới trẻ không muốn nghĩ đến, bởi với họ, hai từ "về quê" đã tạo ra áp lực khá lớn.
Ở tuổi bắt đầu ra cuộc sống, đi làm kiếm tiền, hoặc đang phát triển sự nghiệp chưa chịu lập gia đình, giới trẻ luôn đứng trước những kỳ vọng của gia đình, bạn bè. Nếu công việc xuôi chèo mát mái không sao, nếu trắc trở, sẽ thành vấn đề mà họ phải chịu sự chú ý của người thân và hàng xóm láng giềng. Nguyễn Phương Thảo (25 tuổi – quê Nam Định) là một trong những trường hợp như thế. Ra Hà Nội học từ năm 18 tuổi, với nhiều nỗ lực để kết thúc học tập bằng tấm bằng loại khá của một trường Đại học vừa phải, ba năm nay Thảo gian truân với đủ loại công việc mà vẫn chưa thấy phù hợp. Cô thay đổi công việc liên tục. Tiền tích lũy gần như không có, vì phải đeo bám trụ lại thủ đô, Tết đang đến gần lại trở thành áp lực khiến cô bị ám ảnh. Thảo quyết định năm nay không về quê nữa, mà ở lại Hà Nội tiếp tục bán trà sữa. Thảo cho rằng: "thà ở lại Hà Nội một mình kiếm tiền, được lời cao hơn ngày thường vì dịp Tết, còn hơn trở về gặp bố mẹ và ông bà, họ hàng với một mớ câu hỏi về sự nghiệp. Nào con xin được việc ở đâu rồi? Cơ quan nào? Có vào được biên chế không? Có sống đủ không? Sao không gửi tiền về cho bố mẹ thường xuyên?..". Thảo cho rằng, công việc đúng là rất quan trọng, nhưng sự kỳ vọng, quan tâm một cách "thái quá", đến nỗi mọi người không để ý Thảo đang nghĩ gì và cảm thấy thế nào, khiến cho cô cảm thấy việc trở về nhà ăn Tết là một gánh nặng khủng khiếp.
Không chỉ Nguyễn Phương Thảo gặp áp lực về sự kỳ vọng của gia đình trong dịp Tết, mà Phạm Nhật Huy (29 tuổi – Kiên Giang) cảm thấy bị ám ảnh với Tết. Huy chia sẻ, anh lập gia đình được hai năm, điều kiện gia đình hai bên nội ngoại khá khó khăn, vợ chồng anh gần như là dựa cột chính của cha mẹ hai bên. Tết ở quê hai gia đình – có con lên thành phố sống làm việc là niềm tự hào. Tết, cả hai bên gia đình rất mong ngóng vợ chồng anh hỗ trợ mua quà cho dòng họ hai bên để cha mẹ "mát mày mát mặt". Tổng thu nhập + cả tiền Tết của hai vợ chồng được khoảng 12 triệu, nhưng riêng 20 phần quà cần chuẩn bị cho anh em họ hàng, dòng tộc hai bên, khiến cho vợ chồng Nhật Huy cảm thấy nản. "Giá như ông bà hai bên hiểu giùm bọn mình, cứ để bọn mình chủ động tự nguyện tự lo, đừng nhắc, đừng giục liên tục, đừng hàng ngày hỏi han chuyện con đã chuẩn bị quà chưa, mua cái này cái kia nhé, vì các bác ở nhà chỉ thích cái này cái kia thôi.. là cả hai vợ chồng mình đã thấy phát ốm rồi. Con thì còn nhỏ, việc thì đang phải khẳng định với cơ quan, mỗi chuyện quà cáp Tết cho người thân thôi, mình thật sự sợ Tết".
Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp trong cuộc sống, họ phải đối diện với áp lực lớn là bám víu ở thành phố và kỳ vọng của gia đình chưa đủ, hai vấn đề này càng khiến họ muốn quên đi một cái Tết đang đến gần và thực sự không muốn trở về nhà. Đó là thực tế đang diễn ra trong giới trẻ gần chục năm trở lại đây. Hầu hết đều cho rằng, cuộc sống càng hiện đại, Tết càng có vẻ đơn giản về lễ nghi thì lại càng trở nên phức tạp về tính hình thức, sự sĩ diện của gia đình. Nếu không thể thực hiện được như mong muốn của gia đình, những người trẻ này luôn cảm thấy có lỗi. Cái Tết vì thế trở thành gánh nặng đúng nghĩa.
Ngược lại với Thảo và Huy, Đặng Minh Hòa, một bạn trẻ người gốc Đà Nẵng nhưng sinh sống và làm việc ở Hà Nội lại vướng phải áp lực "muôn thuở" – chuyện làm dâu ngày Tết. Đây là cái Tết thứ ba Hòa làm dâu nhà chồng ngoài Bắc. Cô cho rằng, "làm dâu không khó, cô rất quý bố mẹ chồng. Nhưng Tết là lúc khiến cô hãi nhất. Gia đình chồng đông người. Chồng là con trưởng. Dù đều là dân 9X, bỗ mẹ chồng cũng vẫn trẻ, nhưng với dòng họ nhà chồng, tính truyền thống kiểu phục vụ ngày Tết của dòng họ, khiến cho Hòa – cô con dâu trưởng gốc miền Trung luôn bị ám ảnh. Từ cách nấu nướng phải đúng kiểu Tết miền Bắc, trang trí bày đặt phải đúng kiểu, cho đến cách mời ăn, sắp mâm trên mâm dưới theo thứ tự trên dưới của dòng họ luôn khiến cô chóng mặt. Thậm chí, cũng giờ này tết năm ngoái, cô vì quá áp lực, đã xách vali ra ga để xin về nhà mẹ đẻ để suy nghĩ thêm, may chồng cô tinh ý phát hiện, cùng rủ thêm một số anh chị em họ hàng đồng lứa khuyên giải Hòa mới chịu quay trở lại.
Bên cạnh đó, Tết còn màng đến vô vàn "nỗi sợ" cho người trẻ như sợ bị giục cưới, sợ ít tiền mùng tuổi, và đặc biệt là sợ thêm tuổi… Tất cả là những nỗi muộn phiền , suy nghĩ chỉ biết chôn chặt trong lòng người trẻ ngày nay. Do đó, các bạn trẻ thay vì háo hức về quê ăn Têt mà lựa chọn bấu víu ở thành phố , nơi đất khách quê người hay đi di du lịch, đi phượt một mình. Tất cả chi mong muốn mình tìm được sự yên tình và thanh thản.
Tết cho dù thiêng liêng, và ý nghĩa với mỗi gia đình, nhưng Tết với rất nhiều người trẻ, mang những trách nhiệm riêng, họ vẫn chưa thể cởi bỏ được những ràng buộc về cảm xúc để thích nghi giữa một bên là trách nhiệm, một bên là sự thoải mái trong một dịp Lễ dài ngày. Cho dù, Tết ngày càng được thế hệ cha mẹ ông bà chấp nhận việc con cái dịch chuyển như đi du lịch, hoặc chấp nhận họ làm cả Tết không về nhà, nhưng dường như Tết vẫn là nỗi ám ảnh không hề nhẹ với giới trẻ.
Trong quan niệm của các bậc sinh thành, giới trẻ ngày nay ít hiểu rằng, quan tâm con cái chính là hỏi thăm đời sống lẫn công việc trong một năm để các bậc sinh thành hiểu rằng con cái họ đang hạnh phúc, đang phát triển như thế nào. Thế nên người lớn thường xuyên tỏ ra quan tâm với mong muốn có thể giúp con cái hết mình. Nhưng sự đặc biệt quan tam như vậy, thực sự không phù hợp với suy nghĩ của giới trẻ ngày nay. Những riêng tư cá nhân như tiền lương, tình yêu, mối quan hệ, giới trẻ không muốn tiết lộ và truy hỏi quá nhiều.
Còn bạn thì sao ? bạn "sợ" hay thích Tết?
Đón xem cuộc hẹn Livetream 10h hôm nay, khán giả sẽ được lắng nghe những câu chuyện trong ngày Tết từ một khách mời đặc biệt để từ đó sẽ giúp ích được cho các bạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!