Nhắc đến V-League là bởi, giải đấu quốc nội đang ở giai đoạn về đích. Cuộc đua đến ngôi vô địch đang ở hồi gay cấn nhất. Ở một diễn biến khác, các đội bóng ở nhóm cuối cũng đang phải vật lộn với cuộc chiến tìm vé trụ hạng.
Và, nếu muốn có được sự phát triển, muốn hướng tới tương lai bằng những tham vọng lớn thì xin hãy bắt đầu từ V-League, từ những vòng đấu cuối cùng này. Xin thưa rằng, dư luận và đặc biệt là các đội bóng, những người đã đổ hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng ra đầu tư cho bóng đá rất mong mỏi có được một cuộc đua minh bạch và công bằng.
Bóng đá Việt Nam đã mất quá nhiều vì không còn có được lòng tin từ dư luận. Một khi mà người hâm mộ quay lưng thì chẳng có nhà lãnh đạo, doanh nghiệp nào chịu bỏ tiền cho bóng đá. Vậy nên, một đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn vô cùng nhạy cảm này là phải cải thiện được chỉ số về niềm tin trong sân chơi quốc nội.
Các trận đấu phải được điều hành bởi những trọng tài “sạch”. VFF phải có được những phương án hữu hiệu nhằm đập tan những âm mưu móc ngoặc, dàn xếp kết quả trận đấu.
Thực ra thì VFF đã có nhiều cố gắng trong đảm bảo sự an toàn cho V-League. Họ đã mời trọng tài Nhật Bản sang điều hành các trận đấu. Những sự cố trên sân cỏ đã được xử lý một cách rốt ráo và nghiêm túc. Thế nhưng, để có được một sân chơi “sạch” và công bằng thì cần phải hành động nhiều hơn thế nữa.
Hay nói cách khác, VFF phải đảm bảo rằng, tư tưởng chống tiêu cực phải bao trùm lên nền bóng đá. Không chỉ các trọng tài mà bản thân người trong cuộc, từ quan chức đến cầu thủ cũng phải xác định rõ trách nhiệm bảo vệ sự trong sạch của cuộc chơi.
Vì tất cả những điều trên mới nói bóng đá Việt đừng quên V-League. Hãy bảo vệ nó như là cách tốt nhất để đầu tư cho tương lai.