KỲ 5: Câu chuyện về những người kế tục huyền thoại trong làng thể thao

Đình Cường (Ban Thể Thao)Cập nhật 02:18 ngày 22/02/2017

VTV.vn - Để trở thành 1 điều gì đó trong mắt người hâm mộ, bên cạnh tài năng thì trong mỗi VĐV còn phải có ý chí thép. Điều đó không chỉ đúng với riêng môn bóng rổ.

So sánh là thứ chúng ta thường làm. Dù cho mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng người ta vẫn cần đến phương pháp suy luận này. Với những môn thể thao có 1 lịch sử lâu đời thì những so sánh càng được dùng đến nhiều hơn. Mỗi khi một ngôi sao nào đó giải nghệ, bên cạnh cảm giác nuối tiếc, người ta lại cố gắng tìm cho được 1 măng non nào đó, chụp lên đầu anh ta cái mác Ngôi sao tiếp theo. Thế nhưng, không phải ngôi sao nào cũng biến thành siêu sao, và không phải ai bước vào đời bằng 2 bàn tay trắng là không có cơ hội. Số phận của những Người tiếp theo của huyền thoại không hoàn toàn là hoa hồng, thậm chí, có người đã phải trả những cái giá rất đắt.

KỲ 5: Câu chuyện về những người kế tục huyền thoại trong làng thể thao - Ảnh 1.

Serena Williams vẫn chưa tìm ra được người kế cận

Dù cho Serena Williams vẫn đang làm mưa làm gió ở làng quần vợt nữ thế giới, với hàng loạt những kỷ lục và những giải grandslam liên tiếp được dành cho cô, thì không thể phủ nhận làng quần vợt Mỹ đang sa sút trông thấy. Trung tâm của làng quần vợt thế giới giờ đây không còn là nước Mỹ nữa. Không 1 tay vợt đàn em nào đồng hương với Serena đủ sức chen chân vào top 5, và người hâm mộ quần vợt Mỹ đang lo lắng cho 1 khoảng trống thế hệ mênh mông, sau khi tay vợt 33 tuổi này giải nghệ trong 1 tương lai không xa.

Dù sao, Serena vẫn mang tới cho khán giả hâm mộ quần vợt Mỹ chút an ủi khi họ vẫn thấy cô chiến thắng. Nhưng ở sân chơi của Nam, những thế hệ đồng hương kế cận của Pete Sampras, Andre Agassi chỉ toàn mang tới những nỗi thất vọng. Nếu như ngày xưa, người ta say mê lối đánh hoa mỹ, đầy biến ảo của Sampras bao nhiêu hay những màn đối đầu đỉnh cao giữa anh và đồng hương và cũng là đồng đội Andre Agassi từng phút giây thì bây giờ, chắc chắn những người đó hẳn phải thấy xót xa. Andy Roddick, James Blake, Mardy Fish hay John Isner chỉ dừng lại ở mức tay vợt khá chứ chưa thể sánh được những huyền thoại còn cái tên mới nhất là Jack Sock thì không có tiến bộ nhiều kể từ khi bước lên chuyên nghiệp. Nhìn sang Australia, họ đang có 1 thế hệ các tay vợt trẻ đẳng cấp như Thanasi Kolkinakis, Nick Kyrgios hay Bernard Tomic, người hàng xóm Canada thì có Eugenie Bouchard hay Milos Raonic – những cái tên đầy hứa hẹn. Thậm chí, giờ đây, nhiều người Mỹ còn chuyển sang cổ vũ cho Kei Nishikori – sản phẩm thành công gần nhất mà lò đào tạo danh tiếng 1 thời Nick Boletieri – nơi đã từng đưa tên tuổi của Michael Chang, Monica Seles hay Maria Sharapova lên đỉnh cao.

KỲ 5: Câu chuyện về những người kế tục huyền thoại trong làng thể thao - Ảnh 2.

Freddy Adu - người từng coi là kế tục sự nghiệp của Vua bóng đá Pele

Một câu chuyện bớt ảm đạm hơn nhưng không kém phần tiêu cực là về những cái tên mang trọng trách trả lời cho câu hỏi: Ai là Pele tiếp theo? Ai cũng biết đóng góp của Pele với bóng đá thế giới nói chung và bóng đá Brazil nói riêng là lớn thế nào, chính vì thế, khát khao để có được 1 Pele thứ 2 là điều mà không ít fan hâm mộ chờ đợi. Người được ví như truyền nhân của Pele xứng đáng nhất trong lịch sử, có lẽ là Zico, thậm chí cầu thủ từng thi đấu tại Nhật Bản này còn được gọi với 1 cái tên đầy cảm xúc là Pele trắng. Tiếc thay, Zico lại thi đấu ở thời kỳ bóng đá Brazil đi xuống còn các đội tuyển châu Âu thì dường như đã biết cách bắt bài 1 cầu thủ kỹ thuật như vậy. Pele giành được 3 chức vô địch World Cup, còn Zico kết thúc sự nghiệp trong sự tiếc nuối về 1 tài năng không hợp thời. Một trường hợp khác cũng được coi như là 1 Pele 2.0, thậm chí còn được tung hô mạnh mẽ là Freddy Adu. Với khán giả hâm mộ thể thao Mỹ, bóng đá không phải là 1 môn thể thao được quan tâm lắm, nhưng họ cũng phải chú ý tới cái tên này. Adu nổi danh từ năm 12 tuổi, chỉ 3 năm sau khi cậu rời Ghana để đến với mảnh đất mới cùng gia đình. Và sau đó, sự nghiệp của Adu tiến lên nhanh chóng để rồi dần dần, người ta hiểu rằng, việc tung hô 1 cái tên còn ở dạng tiềm năng là sai lầm thế nào. Cầu thủ sinh năm 1989 không thể phát triển thêm được nữa khi mới chỉ 20 tuổi, anh trở lại Mỹ sau 1 thời gian thi đấu không để lại dấu ấn tại châu Âu. Ngay cả khi được chơi ở chính nơi trước kia đã từng tỏa sáng, Adu cũng không còn là chính mình nữa. Ở tuổi 26, đáng lẽ Adu phải được tỏa sáng, như những cầu thủ cùng trang lứa khác như Daniel Sturidge hay Theo Walcott thì anh chàng này đã chuyển sang học về nấu ăn bên cạnh việc đá bóng bán thời gian.

KỲ 5: Câu chuyện về những người kế tục huyền thoại trong làng thể thao - Ảnh 3.

Neymar - tài năng nhưng chưa thể so được với Pele huyền thoại

Và những năm gần đây, những người hâm mộ đội tuyển vàng xanh lại thêm 1 lần hi vọng về 1 truyền nhân của Pele khác. Nhiều chuyên gia đã đánh giá cậu bé ấy còn xuất sắc hơn Robinho khi cả hai 17 tuổi. Đó là Neymar. Nhưng những gì mà cựu cầu thủ Santos làm được cho Selecao là gì? 1 World Cup không vượt qua nổi sức ép của sự kỳ vọng, khi anh chấn thương, Brazil đã thua cả 2 trận cuối với 10 lần thủng lưới, và còn tệ hơn là Copa America với việc bị cấm thi đấu ngay ở trận thứ 2 vòng bảng mà chưa kịp để lại bất kỳ dấu ấn nào. Neymar mới phần nào nhận được sự tôn trọng trở lại ở Brazil sau khi giúp đội tuyển Olympic quê nhà giành HCV môn bóng đá nam tại Rio 2016.

KỲ 5: Câu chuyện về những người kế tục huyền thoại trong làng thể thao - Ảnh 4.

Sự so sánh về Maradona khiến Messi nhiều lần cảm thấy áp lực

Đất nước láng giềng của Brazil là Argentina dù sản sinh ra không ít tài năng trong hơn 20 năm qua nhưng kể từ khi Diego Maradona giải nghệ, họ vẫn chưa tìm được ai đủ sức thay thế Cậu bé vàng. Ariel Ortega không phải là mẫu trung phong có thể ghi trung bình 20 bàn/ mùa, thậm chí đã có kỳ World Cup LĐBĐ nước này xin FIFA treo áo số 10. Dĩ nhiên là FIFA không chấp nhận điều đó nhưng có vẻ chiếc áo số 10 – mặc định là của Maradona – phủ cái bóng quá lớn lên ai mặc nó. Messi – ngôi sao lớn của bóng đá thế giới – từng giành rất nhiều thành công ở Barcelona – cũng chỉ đóng góp rất hạn chế cho Albiceleste. Anh chưa từng giành bất kỳ danh hiệu gì với đội tuyển. Mà nếu chưa có được vinh quang ở cấp độ này, thì sự so sánh với Maradona – người đã có chức VĐTG ở giải đấu dường như dành riêng cho mình là Mexico 86 – lại càng khập khiễng hơn.

Chỉ 1 vài ví dụ trên, chúng ta có thể thấy, cái bóng quá lớn của những huyền thoại đã đặt 1 áp lực không nhỏ lên vai của thế hệ tiếp theo. Để trở thành 1 người đủ sức gánh vác trọng trách thay thế 1 hình ảnh đã đi vào huyền thoại, quả là 1 điều không hề dễ dàng 1 chút nào.

Những thay đổi đáng chú ý tại F1 trong 5 năm qua

0 0 Xem thêm

VTV.vn - Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà phải sau 5 năm GP Trung Quốc mới quay trở lại bản đồ của môn thể thao này.