Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Ảnh: TTXVN
Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết của Luật này không chỉ khắc phục những bất cập của Luật hiện hành mà còn nhằm hướng tới mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và giải pháp tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS như Nghị quyết của Đảng đề ra.
Tán thành với Chính phủ về việc không cần duy trì hoạt động của Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, bởi thực tế, hoạt động của quỹ này ít hiệu quả, tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị đề nghị cần nghiên cứu để có thêm giải pháp thu hút nguồn lực hỗ trợ cho người nhiễm HIV, giúp họ có thêm cơ hội việc làm hòa nhập với cuộc sống.
Thảo luận về một số quy định cụ thể, các đại biểu cũng đề nghị Luật cần bổ sung thêm các đối tượng cần tuyên truyền giáo dục về HIV là các thanh thiếu niên, người làm nghề cắt tóc, làm móng và trẻ em lang thang cơ nhỡ.
Theo báo điện tử Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sau khi Luật HIV 2006 được ban hành, hệ thống chính sách, pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS đã được xây dựng đầy đủ, kịp thời.
Toàn cảnh phiên họp sáng 23/10. Ảnh: TTXVN.
Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến được kiện toàn. Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng rãi, đồng bộ và có hiệu quả cao. Trung bình, hàng năm xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000 - 10.000 người nhiễm HIV.
Hiện nay, đang điều trị thường xuyên, liên tục cho 53.000 người nghiện ma túy bằng thuốc thay thế Methadone và 150.000 bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV. Trong 12 năm qua, tình hình dịch HIV/AIDS liên tục thuyên giảm.
Tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Theo ước tính của UNAIDS, Việt Nam đã dự phòng cho khoảng 400.000 người không bị nhiễm HIV và 150.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy nhiên, một số quy định của Luật Phòng chống HIV/AIDS đã bộc lộ các tồn tại, bất cập như: Việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa bảo đảm tính thống nhất với các luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc giám sát dịch HIV/AIDS và tiếp cận để hỗ trợ, điều trị sớm cho người nhiễm HIV.
Quy định về xét nghiệm cho trẻ em dưới 16 tuổi, bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối không còn phù hợp với thực tiễn. Sự không thống nhất giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy và Luật HIV về quy định người nghiện ma túy tự nguyện tham gia điều trị nghiện bằng thuốc thay thế dẫn đến họ vẫn có thể bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc huy động cho Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV rất hạn chế và hiện đã được các chính sách khác bảo đảm nên không cần thiết duy trì quỹ này...
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống HIV/AIDS là cần thiết để bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Nghị quyết 20-NQ/TW. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới trong phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi phải sửa đổi các quy định để đáp ứng kịp thời và phát huy hiệu quả.
Mục đích xây dựng Luật nhằm tạo hành lang pháp lý để hướng tới mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 như Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã đề ra.
Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật là thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phòng, chống HIV/AIDS; khắc phục được các tồn tại, bất hợp lý sau 13 năm thực hiện Luật; bảo đảm quyền được chăm sóc sóc điều trị của người nhiễm HIV; thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế; khuyến khích sự tham gia của xã hội vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Ủy ban tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung dự án Luật đã được thể hiện trong Tờ trình, đó là: Thể chế quan điểm, chủ trương Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó có mục tiêu "cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS" vào năm 2030 và giải pháp "tăng cường nguồn lực trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS".
Khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, tập trung chủ yếu vào các quy định về: Mở rộng quyền tiếp cận thông tin; cụ thể hóa và tăng cường quyền tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm chi trả từ Quỹ Bảo hiểm Y tế đối với một số dịch vụ dành cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia Bảo hiểm Y tế.
Dự thảo Luật cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tuy nhiên, đề nghị Ban Soạn thảo tiếp tục quan tâm rà soát tính đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật với quy định của các luật hiện hành và các dự án luật mà Quốc hội đang tiến hành sửa đổi, bổ sung.
Hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã được rà soát, cập nhật, bổ sung số liệu tại các báo cáo thành phần của hồ sơ theo ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban.
Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các điều, khoản cụ thể cho phù hợp do dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!