Tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập kinh tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 23/08/2020 11:15 GMT+7

VTV.vn - Tầm nhìn và tư tưởng hội nhập của Người là kim chỉ nam, định hướng cho các hoạt động giao thương và ngoại giao của Việt Nam.

"Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc" - Lời kêu gọi gửi tới Liên Hợp Quốc vào năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện tư tưởng hợp tác, hội nhập cùng phát triển mà còn là tầm nhìn vượt thời đại của Người.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh, ngay từ khi còn là một người thanh niên 21 tuổi đã có mẫn cảm chính trị tuyệt vời và có một chủ kiến, tầm nhìn độc lập, sáng tạo.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập kinh tế - Ảnh 1.

"Ngày 5/6/1911, lúc ấy Bác là Nguyễn Tất Thành, 21 tuổi. Ta phải đặt một câu hỏi là: Tại sao Bác không đi về Phương Đông mà lại chọn Phương Tây? Thậm chí, cụ Phan Bội Châu còn trù tính đưa người sang Nhật Bản đào tạo, nhưng Bác từ chối. Phương Tây là quê hương của chủ nghĩa tư bản, châu Âu là trung tâm của nền văn minh nhân loại lúc bấy giờ. Và đến những năm 60 của thế kỷ XX, thế giới đứng trước một xu thế không thể đảo ngược đó là toàn cầu hóa và hội nhập, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, ta mới thấy tầm nhìn vượt thời đại và sự khai sáng của Hồ Chí Minh giá trị như thế nào" - GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nói.

Tầm nhìn và tư tưởng hội nhập của Người đã là kim chỉ nam, định hướng cho các hoạt động giao thương và ngoại giao của Việt Nam. Hiện, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước và 70 vùng lãnh thổ, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước trên thế giới, ký kết hàng chục Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, gánh chịu nhiều đau thương do chiến tranh, xâm lược, Việt Nam đã và đang vươn lên bằng ý chí quật cường của tinh thần độc lập dân tộc mà Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp.

Những sách lược hội nhập mang tính chủ động, sáng tạo, có tầm thời đại của Hồ Chí Minh, Việt Nam hiện đã và đang trở thành một mắt xích quan trong trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu và đang vươn lên sánh vai cùng nhiều quốc gia trên thế giới, với một vị thế bình đẳng và độc lập.

"Đến giờ chúng ta ngày càng thấy rõ những giá trị mà tư tưởng hội nhập mới mẻ, sáng tạo của Hồ Chí Minh chúng mang lại, thấy rõ cái tầm nhìn vượt trước thời đại của Người cũng như của Đảng ta trong việc xây dựng đất nước phát triển bằng phương thức hội nhập quốc tế" - GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.

Công cuộc hội nhập, trong đó có hội nhập về kinh tế, đã mang lại những hiệu quả giá trị cho Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước, cũng như khẳng định uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và đang sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước