Xây dựng chính quyền liêm chính, xử lý nghiêm cán bộ bất liêm, tham nhũng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 31/08/2022 06:26 GMT+7

VTV.vn - Hàng chục năm đã qua nhưng tư tưởng và di huấn của Bác về xây dựng chính quyền liêm chính vẫn nguyên tính thời sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và vấn đề xây dựng chính quyền liêm chính

Cách đây 77 năm, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, thử thách của cách mạng Việt Nam nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm hàng đầu cho việc xây dựng một chính quyền liêm chính.

Ngày nay, những tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là kim chỉ nam cho Đảng trong xây dựng Chính quyền liêm chính, phục vụ nhân dân.

Tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với Quốc dân đồng bào và toàn thể thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Công hòa.

Xây dựng chính quyền liêm chính, xử lý nghiêm cán bộ bất liêm, tham nhũng - Ảnh 1.

Tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập

Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, từ thân phận nô lệ, người dân Việt Nam đã trở thành người làm chủ đất nước, chính quyền về tay nhân dân, Đảng trở thành Đảng cầm quyền.

Nhưng chính quyền non trẻ ấy đã ngay lập tức phải đối mặt với muôn vàn thử thách. Các thế lực nước ngoài tiếp tục lăm le xâm lược nước ta, ở trong nước là nạn giặc đói, giặc dốt với một ngân khố trống không.

Vận nước như ngàn cân treo sợi tóc. Giành chính quyền đã khó nhưng giữ và xây dựng được chính quyền lúc đó còn khó hơn

Để bảo vệ được nhà nước non trẻ, cùng với đề ra các đối sách ứng phó với thù trong, giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp liêm chính, vì dân phục vụ.

Trong "Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết chỉ một tháng sau ngày lập nước, Bác đã chỉ rõ những lỗi lầm mà nhiều cán bộ bấy giờ mắc phải.

GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Bác vạch ra 6 cái lỗi của chính quyền và cán bộ trong đó có lỗi là hách dịch, hủ hóa. Bác đặt vấn đề tiền bạc ở đâu ra mà xa xỉ thế? Ngay từ những ngày đầu đã có những cán bộ rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng của công để mà ra oai phục vụ cá nhân, làm hại đến uy tín của chính quyền. Bác nghiêm khắc phê bình và yêu cầu cán bộ trong cách mạng phải ý thức rất rõ quyền lực trong tay mình đấy là quyền lực công được nhân dân ủy thác giao cho mình".

Tại Nhà hát lớn Hà Nội, vào tháng 10 năm 1946, chỉ 1 năm sau ngày độc lập, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: Chỉnh phủ mà Người xây dựng phải là một Chính phủ liêm khiết.

Và để xây dựng Chính phủ liêm khiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thiết kế, đưa ra một "mô hình" về Chính phủ địa phương - các Ủy ban dân làng, phủ: "Phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các Ủy ban đó. Ủy ban dân làng sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng; thận trọng hết sức trong việc chi dùng công quỹ".

Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ, bảo quản hàng vạn hiện vận quí giá về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhiều câu chuyện cho thấy không chỉ có những năm đầu khi mới giành được độc lập, mà trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề xây dựng chính quyền liêm chính.

Trong bài viết "Cần, Kiệm, Liêm, Chính" đăng trên báo "Cứu quốc" năm 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người khẳng định "Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc… Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính; Thiếu một mùa thì không thành trời; Thiếu một phương thì không thành đất; Thiếu một đức thì không thành người".

Xây dựng chính quyền liêm chính, xử lý nghiêm cán bộ bất liêm, tham nhũng - Ảnh 2.

Nhấn mạnh đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, Người cũng chỉ rõ phương pháp để người cán bộ có thể rèn luyện, và thực hành.

Không chỉ răn dạy cán bộ và gương mẫu đi đầu thực hành, đi đến đâu về đến địa phương nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở đội ngũ cán bộ chính quyền các cấp các cấp phải thực hành cần kiệm, liêm, chính.

Theo Bác, nếu không cần, kiệm, liêm, chính, cán bộ, đảng viên rất dễ bị suy thoái, biến dạng, tha hóa quyền lực, nếu chính quyền không được dân tin yêu nữa và nó trở thành đối lập với lợi ích của nhân dân.

Xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ dân là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Ngay cả trước lúc về với thế giới người Hiền, trong vô vàn tình cảm để lại cho đồng chí, đồng bào cả nước, Người vẫn không quên căn dặn cán bộ đảng viên phải đặc biệt coi trọng thực hành cần, kiệm, liêm, chính.

Trong Di chúc, điều đầu tiên Bác vẫn nói về Đảng và căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

Không giữ được liêm chính, cán bộ rất dễ bị sa ngã

Hàng chục năm đã qua nhưng tư tưởng và di huấn của Bác về xây dựng chính quyền liêm chính vẫn nguyên tính thời sự.

Thực tế cách mạng Việt Nam đã cho thấy: Bất cứ lúc nào Đảng xa rời di huấn của Bác về xây dựng chính quyền liêm chính thì cán bộ trong bộ máy hành chính sa vào tham nhũng tiêu cực, năng lực phục vụ nhân dân của Chính quyền bị ảnh hưởng, vai trò lãnh đạo của Đảng bị đe dọa và niềm tin của nhân dân với Đảng bị giảm sút và ngược lại.

Chỉ mới gần đây thôi, dư luận rung động trước đại án công ty Việt Á nâng khống giá kít xét nghiệm COVID-19. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 100 bị can là lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và bệnh viện trên cả nước vướng vòng lao lý vì nhận tiền "hoa hồng". Đặc biệt mới đây, có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Xây dựng chính quyền liêm chính, xử lý nghiêm cán bộ bất liêm, tham nhũng - Ảnh 3.

Gần 20 bị can trong đó có nhiều cán bộ bị bắt giữ, khởi tố do trục lợi chủ trương giải cứu công dân khỏi vùng dịch

Và cũng chính trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Đảng, Nhà nước đã có một chủ trương nhân văn là tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân khỏi vùng dịch. Thế nhưng, đến nay, gần 20 bị can trong đó có nhiều cán bộ thuộc các bộ ngành, đã bị bắt giữ, khởi tố do trục lợi từ chủ trương này.

Những vi phạm pháp luật nghiêm trọng đó, chính là biểu hiện của sự suy thoái về văn hóa liêm chính, đạo đức cách mạng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.

Khi không còn giữ được liêm chính, những cán bộ có chức, có quyền rất dễ bị sa ngã trước những "viên đạn bọc đường". Những cám dỗ về vật chất đã và đang làm cho một bộ phận cán bộ đảng viên, trong đó, không ít người giữ cương vị lãnh đạo bị suy thoái.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Đào, Học viện Hành chính Quốc gia nhận định: "Thực tế cho thấy hàng nghìn cán bộ đảng viên trong 5 triệu cán bộ đảng viên vi phạm trên mọi lĩnh vực. Đó là biểu hiện bất liêm và đó là mối đe dọa, đánh mất lòng tin làm yếu đi tính cách mạng và sức chiến đấu của Đảng. Đấy là tiếng chuông cảnh bảo sự đe dọa khái niệm, bản chất liêm chính của chế độ ta".

Hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa liêm chính

Nhìn lại quyết tâm của Đảng qua các vụ việc xử lý cán bộ sai phạm trong các cơ quan công quyền trong thời gian vừa qua, đau đớn, chua xót nhưng không vì vậy mà niềm tin của người dân với Đảng bị giảm sút mà ngược lại, nhân dân càng tin và ủng hộ quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của Đảng.

Theo khảo sát của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, 75% số người được hỏi đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã đạt được kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm nay. Con số này cao hơn tới 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xây dựng chính quyền liêm chính, xử lý nghiêm cán bộ bất liêm, tham nhũng - Ảnh 4.

Đảng lãnh đạo xã hội thông qua nhà nước, thông qua đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan chính quyền các cấp. Do vậy, thực hiện liêm chính trong các cơ quan chính quyền theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Để xây dựng chính quyền liêm chính, thời gian qua, Đảng đã đẩy mạnh công tác xử lý nghiêm cán bộ bất liêm, tham ô, nhũng nhiễu.

Xây dựng chính quyền liêm chính, xử lý nghiêm cán bộ bất liêm, tham nhũng - Ảnh 5.

Trong 10 năm qua, đã có hơn 7.000 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái

Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Bên cạnh đó, Đảng tập trung xây dựng cơ chế hiệu quả kiểm soát việc thực thi quyền lực. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm hơn, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Tới đây, để đề cao liêm chính trong thực thi công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa liêm chính, để mỗi cán bộ đảng viên đứng vững trước các cám dỗ về vật chất, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là không ngừng giáo dục và tự rèn luyện ý thức chính trị, lý tưởng cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên.

Liêm chính - phẩm chất trong đạo đức công vụ Liêm chính - phẩm chất trong đạo đức công vụ

VTV.vn - Liêm chính là một trong những phẩm chất quan trọng hàng đầu trong đạo đức công vụ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước