Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành-Thứ sáu, ngày 15/07/2022 20:17 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

VTV.vn - Chiều 15/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì buổi làm việc với Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam và Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Trong dự thảo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" có nội dung về tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia và Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng Đề án chiến lược, hai tổ chức này đã chủ động nghiên cứu, tích cực tham gia ý kiến vào dự thảo các chuyên đề, nhất là Chuyên đề "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" mà Ban Nội chính Trung ương thực hiện. Tại buổi làm việc này, các đại biểu nêu các ý kiến tâm huyết, có cơ sở khoa học, trong đó cả những nội dung mới đóng góp cho dự thảo Đề án.

Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - Ảnh 1.

Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nội dung quan trọng xuyên suốt của Đề án là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân; phát huy vai trò của các cơ quan bổ trợ tư pháp.

Nhất là từ khi đổi mới đến nay, Đảng ta có nhiều chủ trương lớn và đúng đắn về quyền con người; xác định quyền con người là giá trị nhân văn, tiến bộ, có tính phổ quát của toàn nhân loại. Trong quá trình đó, Nhà nước cũng đã xây dựng được hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân cơ bản trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, trong Hiến pháp hiện hành quy định bảo vệ quyền con người là nhiệm vụ hàng đầu trong các thiết chế bộ máy nhà nước và nhiệm vụ này tiếp tục làm rõ hơn trong Đề án.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ, các thiết chế trong bộ máy nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cùng với đó là khẳng định vai trò của luật sư, trợ giúp pháp lý ngày càng được tăng cường, nhất là trong hoạt động tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng, nhất là chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp được triển khai nghiêm túc và có nhiều kết quả tích cực, hệ thống trợ giúp pháp lý được củng cố, kiện toàn và đổi mới; tổ chức hành nghề công chứng rộng khắp và phân bố hợp lý hơn gắn với địa bàn dân cư. Đây là những hoạt động rất cần thiết trong quá trình phát triển đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng định hướng một số nội dung về hoàn thiện các thiết chế nhà nước và thiết chế trong lĩnh vực tư pháp được nêu trong dự thảo Đề án, đồng thời yêu cầu Tổ Biên tập xây dựng Đề án tiếp thu, bổ sung vào dự thảo Đề án những ý kiến thống nhất cao và tiếp tục nghiên cứu các nội dung còn có ý kiến khác nhau để báo cáo Ban Chỉ đạo tại phiên họp sắp tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước