Anh Nguyễn Tuấn Anh là một nhà đầu tư chứng khoán từng suýt chút nữa mất hết tài sản khi ban lãnh đạo của công ty chứng khoán nơi anh mở tài khoản bị bắt và công ty này mất thanh khoản. Anh cho biết, với 150 công ty chứng khoán trên thị trường, để chọn mở tài khoản các nhà đầu tư không dễ gì nhận ra được những rủi ro tiềm ẩn.
Anh Tuấn Anh nói: "Một mặt các công ty đem lại cho tôi những vấn đề trong giao dịch, tài chính, phân tích và lựa chọn những cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, khi có quá nhiều CTCK thì nhà đầu tư khó lường trước được rủi ro khi tham gia thị trường tài chính".
‘ Tái cấu trúc CTCK giúp nhà đầu tư bớt khó khăn trong việc lựa chọn đầu tư (Ảnh: VTV News)
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự lựa chọn này đang giảm đi đáng kể khi hàng loạt CTCK ngừng hoạt động hoặc tuyên bố giải thể như Sao Việt, Chợ Lớn hay Âu Việt. Một số công ty khác lại đưa ra hướng hợp nhất, sáp nhập như chứng khoán MBS, Sacombank hay Phương Nam.
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, với xu hướng này, số lượng CTCK thời gian tới sẽ giảm đi đáng kể và đây là một biến chuyển tích cực đối với thị trường.
Ông Vũ Bằng nhận định: "Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng chung là các CTCK đẩy nhanh việc tái cấu trúc. Theo đó số lượng CTCK giảm dần nhưng quy mô, chất lượng và độ an toàn tài chính sẽ nâng cao".
Nhiều ý kiến cho rằng, hơn 100 CTCK đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là quá nhiều. Thời gian gần đây, giá trị giao dịch bình quân mỗi ngày là 979 tỷ đồng. Với mức phí 0,3%, mỗi ngày các công ty này kiếm được 2,9 tỷ đồng tiền phí giao dịch.
Theo thống kê, trong quý II/2013, 63% thị phần môi giới thuộc về 10 CTCK lớn nhất, vậy hơn 90 CTCK còn lại chia nhau hơn 1,1 tỷ đồng/ngày. Tại nhiều công ty, tiền môi giới không đủ tiền điện nước vì thế theo các chuyên gia, để hoạt động hiệu quả, số lượng công ty chứng khoán cần giảm đi đáng kể.
TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Đã đến lúc tìm cách liên kết để tự mình tồn tại và phát triển một cách hiệu quả. Tôi cho rằng, cần giảm 50% thậm chí 60% số lượng CTCK hiện nay để hình thành những nhóm, tập đoàn chứng khoán lớn hơn, hiệu quả hơn và có sức cạnh tranh".
Quá nhiều CTCK hoạt động không hiệu quả, quản trị kém dẫn đến thất thoát tiền của nhà đầu tư và các cổ đông. Không ít ý kiến cho rằng, đây là lỗi của cơ quan chức năng khi đã cấp phép cho quá nhiều công ty chứng khoán.
Công cuộc thanh lọc này không chỉ cần nỗ lực của các công ty khi họ loay hoay giải thể hay sáp nhập mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để các CTCK còn lại phải là những đơn vị thực sự uy tín và hiệu quả.