Làn sóng thanh lọc thị trường chứng khoán

Lê Hương-Thứ bảy, ngày 24/08/2013 16:36 GMT+7

Trong khi hàng loạt công ty chứng khoán tuyên bố giải thể hoặc mua bán hợp nhất với nhau thì trên 2 sàn niêm yết, số lượng DN niêm yết cũng ngày càng giảm. Nguyên nhân là do doanh nghiệp lên sàn thì ít, còn DN hủy niêm yết thì nhiều.

Nhiều người cho rằng, đây là sự nguội đi của thị trường sau thời gian dài phát triển nóng. Nhưng cũng không ít ý kiến khẳng định, thị trường đang sàng lọc và đào thải, tốt thì giữ lại, xấu bỏ đi nhằm hướng đến một sự phát triển lành mạnh và bền vững.

Năm 2010, DN hủy niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán chỉ có 6, qua dần các năm, con số này ngày một tăng lên. Năm 2012 có tới 23 DN hủy niêm yết, 8 tháng đầu năm 2013, số DN hủy niêm yết lên tới 28. Một phần nguyên nhân được cho là lượng DN rơi vào trường hợp phải hủy niêm yết ngày càng nhiều như không còn đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết, 3 năm liên tục không có lãi hay không có giao dịch trong vòng 12 tháng. Không chỉ vậy, các DN yếu kém còn vấp phải sự sàng lọc mạnh mẽ của các nhà đầu tư.

Nhà đầu tư Trần Tiến Dũng chia sẻ: “NĐT luôn lựa chọn những cổ phiếu tốt để đầu tư, và DN tốt vẫn có thể huy động vốn, những DN không hoạt động hiệu quả thì các NĐT không quan tâm và cũng không nắm giữ cổ phiếu đó làm gì khi họ không có lợi”.

‘ Ảnh: VNN

DN hủy niêm yết đã nhiều, DN lên sàn lại ngày càng ít đi. Kinh tế khó khăn là lý do khiến DN không dễ gì đáp ứng chuẩn niêm yết của hai Sở giao dịch. Đã thế năm vừa qua, các chuẩn này lại còn được nâng lên đáng kể, ví dụ trước đây tại HOSE vốn điều lệ lên sàn tối thiểu là 80 tỷ đồng thì hiện nay phải là 120 tỷ đồng, còn sàn HNX trước đây là 10 tỷ đồng thì nay là 30 tỷ đồng. Chưa kể nhiều quy định khác cũng tăng lên hoặc trước đây không quy định thì nay lại quy định như tỷ suất lợi nhuận trên vốn tối thiểu hay tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ của cổ đông bên ngoài.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó TGĐ Sở GDCK Hà Nội: “Những quy định này nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng của DN niêm yết, làm cho doanh nghiệp mạnh hơn so với các DN chưa lên sàn, thúc đẩy thị trường quy mô chiến lược dài hơn là TTCK Việt Nam mạnh cạnh tranh khu vực”.

Riêng trong 8 tháng đầu năm, số DN niêm yết chưa bằng nửa số DN hủy niêm yết, khiến tổng số DN trên hai sàn giảm đi. Tuy nhiên, thực tế này không khiến cơ quan quản lý thị trường lo ngại mà còn cho rằng, công cuộc tái cơ cấu của thị trường đang diễn ra đúng hướng.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK Nhà nước cho rằng: “Điều này là xu hướng tất yếu, đúng với kế hoạch tái cơ cấu thị trường. Trên sàn sẽ chỉ còn các DN tốt, hàng hóa tốt cho nhà đầu tư”.

Trong quá trình sàng lọc này, không ít nhà đầu tư đã, đang và sẽ mất tài sản khi là người cuối cùng mua phải cổ phiếu của các DN yếu kém, phá sản hoặc hủy niêm yết.

Nhiều người tiếc rẻ, nếu chủ trương thanh lọc thị trường thực hiện từ trước, khi mà DN được tạo điều kiện dễ dãi ồ ạt kéo nhau lên sàn, thì có lẽ nhà đầu tư không phải trả những giá quá đắt như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn niềm an ủi rằng sắp tới, hàng hóa trên thị trường cổ phiếu sẽ ngày càng chất lượng hơn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước