Thêm một nghịch lý muối tại địa phương bán không được, trong khi đó các doanh nghiệp lại phải mua muối nơi khác về để sản xuất công nghiệp. Điều này đẩy nghề làm muối Khánh Hòa vốn đã khó khăn, nay càng thêm chật vật. Vậy làm gì để người làm muối Khánh Hòa mặn mà với chính hạt muối của mình làm ra?
Tại cánh đồng muối Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa, mặc dù đang giữa mùa hè, mùa sản xuất muối chính của bà con diêm dân, nhưng trên cánh đồng muối vắng tanh không một bóng người. Sở dĩ có chuyện này vì gần 2 tháng nay, mưa liên tục làm cho muối mất mùa. Còn thời điểm trước đó, bà con diêm dân sản xuất được muối thì giá bán lại quá thấp, do vậy đời sống người dân hết sức khó khăn.
Ninh Diêm là vựa muối của tỉnh Khánh Hòa với hơn 500 ha sản xuất muối, 50% dân số sống bằng nghề này. Vì vậy một khi sản xuất khó khăn thì ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận đời sống người dân. Thời điểm này mọi năm, bà con xã viên Hợp tác xã 1/5 đã sản xuất được gần 5.000 tấn muối, nay chưa được 2.000 tấn.
Nhưng rồi bỏ ruộng thì xót, hôm nay hộ ông Nguyễn Trường Sơn cũng phải ra đồng thăm những thửa ruộng muối để tính toán tiếp tục sản xuất 1 tháng còn lại của vụ 2011 với hy vọng vớt vác chút ít của một mùa thất bát.
Ông Nguyễn Trường Sơn, phường Ninh Diêm, Thị xã Ninh Hòa cho biết: “Gia đình tôi có 5 khẩu làm muối, nhưng đến nay đã hơn nửa mùa mà thu nhập cả nhà chỉ được 2 triệu đồng. Còn những hộ khác đông nhân khẩu làm muối thì hết sức khó khăn, nên rất khó mà bám vào hạt muối”.
Đã mất mùa, giá bán thì quá thấp (chỉ 450.000 đồng/tấn). Để cào được 1 tấn muối phải mất 8 công lao động, như vậy mỗi ngày một công lao động chưa được 60.000 đồng, đây là mức thu nhập của những người cận nghèo. Từ bao đời nay, nghề làm muối luôn vất vả, lao đao. Năm 2009, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ giá mua muối cho diêm dân cả nước, nhưng đến nay việc ấy vẫn chưa được triển khai tại địa phương này.
Theo bà Trương Thị Chiệu, Chủ tịch UBND phường Ninh Diêm, Thị xã Ninh Hòa: “Hai năm nay chưa có cơ quan nào ra hướng dẫn để thu mua giá muối hỗ trợ cho bà con diêm dân”.
Thêm một nghịch lý, trong khi hiện nay các nhà máy sản xuất trên nhiều lĩnh vực ở Khánh Hòa cần đến muối thì phải mua muối từ nơi khác về sử dụng, không dùng muối ở đây do hạt muối của bà con diêm dân làm ra còn tạp chất. Bà con chỉ còn biết bán đổ, báo tháo cho tư thương.
Ông Đặng Thanh Xuân, Ninh Diêm, Thị xã Ninh Hòa: “Muốn ngành muối tồn tại phải có vốn đầu tư thường xuyên cải tạo đồng ruộng, nâng chất lượng sản phẩm cho tốt”.
Người sản xuất ở Ninh Diêm đều biết điều này, nhưng để cải tạo thì đúng là “Lực bất tòng tâm”. Bởi vì để đầu tư công nghệ sản xuất muối theo tiêu chuẩn công nghiệp thì số tiền khá lớn, tới 1,2 tỷ đồng/ha”.
Ông Trương Công Hiến, Chủ nhiệm HTX sản xuất muối Ninh Diêm, Thị xã Ninh Hòa: “HTX lâu nay làm theo cổ truyền, nếu sắp tới sản xuất theo hướng muối công nghiệp, Nhà nước phải đầu tư chứ còn HTX không đủ sức. Vì đối với HTX vốn là vốn vay ngân hàng, lỡ đầu tư mà bị mất mùa coi như HTX phá sản”.
Còn đối với doanh nghiệp đủ sức đầu tư sản xuất chiều sâu theo tiêu chuẩn công nghiệp như Công ty cổ phần muối Khánh Hòa - đơn vị sản xuất 60% sản lượng muối của cả tỉnh Khánh Hòa cũng gặp không ít khó khăn.
Theo kế hoạch, năm nay đơn vị sản xuất 35.000 tấn, nhưng đến nay, dù đã cuối vụ nhưng cũng chỉ sản xuất 10.000 tấn, đạt chưa tới 30% kế hoạch. Điều này cũng đồng nghĩa thu nhập của người lao động giảm mạnh từ 2,7 triệu đồng/người/tháng của năm 2010, nay chỉ còn 1,5 triệu đồng.