Nepal là mảnh đất nơi đức Phật sinh ra nhưng cũng là quốc gia mà phần đông dân số theo đạo Hindu. Điều kỳ lạ là 2 tôn giáo tại đây hầu như không hề có sự cách biệt mà luôn đan xen cùng xuất hiện, thậm chí bổ trợ cho nhau.
Nằm trên độ cao hơn 200m, Bảo Tháp Swayambhunath gây ấn tượng đầu tiên bởi sự xuất hiện dày đặc của những chú khỉ. Không hề xa lạ với con người, khỉ ở đây được xem như một trong những chủ nhân của ngôi đền thiêng.
Theo quan niệm, khỉ là loài vật đã giúp đỡ người Nepal rất nhiều trong quá khứ và trở thành linh vật của nhiều ngôi đền ở Nepal. Từ khía cạnh tôn giáo, các thể khỉ được xem như những đại diện của Thánh thần.
Swayambhunath được xây dựng từ năm 250 trước Công nguyên. Bắt đầu đón tín đồ hành hương từ thế kỷ thứ V và được xem là 1 trong 3 bảo tháp cổ linh thiêng nhất thế giới. Ngoài nét tinh xảo trong kiến trúc, ngôi đền còn thu hút bởi sự hòa hợp đến chi tiết của Phật giáo và Hindu giáo.
Ngôi đền mang tên gốc tiếng Phạn Swayambu, nghĩa là tự sinh ra. Trải qua hơn 2.000 năm lịch sử, người ta vẫn để ngôi đền tồn tại tự nhiên như nó vốn có. Đó là lý do dù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, Swayambhunat vẫn hoang sơ với sức hút lạ kỳ.
Trận động đất cách đây 4 năm đã phá hủy phần nhiều diện tích của ngôi đền Swayambunath. Nhưng từ trong khó khăn đi lên, thêm một lần minh chứng tinh thần kiên trì của người dân Nepal. Họ từng bước xây dựng lại và giờ đây ngôi đền vẫn là một trong những biểu trưng tôn giáo lớn nhất ở Nepal, ngôi nhà chung hòa hợp của Phật giáo và Hindu giáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!