Mỹ không kích Syria: Dư luận bị đẩy lên cao vì các bên lời qua tiếng lại

Trung tâm Tin tức VTV24-Chủ nhật, ngày 15/04/2018 15:17 GMT+7

VTV.vn - Trong khi Mỹ tuyên bố đợt không kích đã đánh trúng mọi mục tiêu, Nga cho rằng lực lượng phòng không Syria đã đánh chặn thành công tới 71/103 quả tên lửa nhằm vào nước này.

Trong cuộc họp báo đánh giá sơ bộ hiệu quả cuộc không kích, Trung tướng Mỹ Kenneth McKenzie mô tả chiến dịch tấn công của Mỹ, Anh và Pháp là "chính xác, áp đảo và hiệu quả".

Lầu Năm Góc cho biết đợt không kích Syria đã đánh trúng mọi mục tiêu. Như vậy có vẻ đúng như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cách đây ít ngày, những tên lửa mới, đẹp và thông minh của Mỹ đã hoạt động rất hiệu quả trên thực địa.

Thiếu tướng Kenneth McKenzie tuyên bố: "Quân đội Syria bắn 40 tên lửa phòng không lên bầu trời và những tên lửa đó đã rơi xuống đất! Không có máy bay hay tên lửa nào trong chiến dịch này bị phòng không Syria đánh chặn thành công".

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết với hơn 100 quả tên lửa phóng đi, quy mô tấn công này lớn gấp đôi đợt không kích năm 2017 và đã gửi một thông điệp rõ ràng tới quyền của Tổng thống Assad.

Lầu Năm Góc khẳng định 2 kho chứa ở Homs và 1 cơ sở nghiên cứu hóa học đã bị đánh trúng. Reuters cũng đăng tải hình ảnh các đổ nát của những địa điểm này. Tướng Mckenzie cho biết trung tâm nghiên cứu ở ngoại ô Damascus bị san phẳng sẽ kéo lùi khả năng phát triển vũ khí hóa học của Syria lại trong nhiều năm.

Như vậy tuyên bố của Mỹ đã trái ngược với thông tin của Nga cho rằng lực lượng phòng không Syria đã đánh chặn thành công tới 71 trên 103 quả tên lửa nhằm vào nước này.

Tháng 4/2017, Mỹ phóng 59 tên lửa nhằm vào Syria sau vụ việc Mỹ cho rằng có tấn công hóa học ở thành phố Idlip. Thời điểm đó cũng chưa có chứng cứ xác thực. Năm nay cũng lại tấn công với lý do tương tự.

Nhiều ý kiến chỉ trích cuộc không kích của Mỹ đã vi luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) chỉ vừa đến Damascus, tại sao Mỹ không chờ kết quả thanh sát quốc tế?

Đây cũng là câu hỏi được đặt ra với nhiều người Mỹ. Không chỉ có phóng viên, ngay cả một số nghị sĩ có uy tín và vị trí trong Quốc hội Mỹ cũng đang đặt câu hỏi này với chính quyền.

Vậy chứng cứ xác thực là gì nhưng chưa có câu trả lời nào thấu đáo. Cơ bản họ lý giải rằng không thể trông chờ vào kết quả của thanh sát quốc tế vì mọi chứng cứ đang nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Syria.

Hầu như không thể có một thông tin xác thực đầy đủ trên chiến trường. Họ cho rằng với nhiều vụ việc nghi vấn có sử dụng vũ khí hóa học tại Syria suốt từ năm 2013 đến nay, họ đã mất lòng tin vào khả năng các bên liên quan ở Syria sẽ nghiêm túc thực thi công ước quốc tế về vũ khí hóa học. Vì vậy, nếu không có hành động thích đáng, không sớm thì muộn, việc sử dụng vũ khí hóa học không chỉ ở Syria mà nhiều nơi khác sẽ bùng phát. Chính vì thế, ngăn chặn vũ khí hoá học là cái cớ họ đưa ra để mở đợt tấn công mang tính răn đe, ngăn chặn có giới hạn nhằm vào chính quyền Syria.

Đại sứ Nga tại LHQ Anatoly Antonov cảnh báo sẽ có những hậu quả sau hành động không kích Syria của Mỹ và đồng minh. Vậy cụ thể Nga có thể đáp trả như thế nào?

Mọi tuyên bố như bắn hạ các tên lửa của Mỹ, thậm chí bắn vào nơi chúng xuất phát chỉ là để cảnh báo Mỹ trong trường hợp Mỹ làm tổn hại đến đồng minh của Nga hoặc trực tiếp bắn vào nơi đồn trú của quân đội Nga. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Các mục tiêu bị tấn công không phải là đặc biệt quan trọng đối với quân đội Syria. Trên thực tế, vụ oanh kích của Liên quân không gây thiệt hại đáng kể về người và của. Như vậy, để đáp trả hoàn toàn không có sơ sở nào, ngay cả hệ thống phòng không tối tân của Nga ở Syria ngày 14/4 cũng không có cơ hội tham chiến. Duy nhất điều Nga có thể cực lực phản đối là thái độ phớt lờ mọi chuẩn mực luật pháp quốc tế, vô hiệu hóa cả Hội đồng Bảo an của phía Mỹ và đồng minh.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc mới tuyên bố trước Hội đồng Bảo an rằng Washington sẵn sàng phát động một cuộc tấn công khác nếu chính quyền Syria tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. Khả năng này thực tế là như thế nào?

Dư luận đang bị đẩy lên cao với lời qua tiếng lại của các bên liên quan. Nhưng xâu chuỗi những tuyên bố chính sách của chính quyền Trump gần đây cũng như cách thức mà Mỹ cùng đồng minh tấn công Syria vừa rồi, có lẽ Mỹ và đồng minh đã để lại tín hiệu để Syria và Nga hiểu rằng thế là đủ, trừ phi có thêm một vụ sử dụng vũ khí hóa học nữa.

Trong khi đó, cục diện ở Syria giờ đã đổi chiều, thuận hơn rất nhiều cho chính quyền Syria và Nga, cả trên thực địa và bàn đàm phán với lực lượng nổi dậy và các cường quốc khu vực. Ngoài một cuộc tấn công chớp nhoáng vào cơ sở vật chất của một quốc gia có chủ quyền, vốn đang bị chia năm xẻ bảy bởi nội chiến hơn 7 năm qua, thì đòn đánh vừa rồi của Mỹ và đồng minh không gây thiệt hại đáng kể và chắc chắn không làm thay đổi cục diện chiến trường.

Gồng mình đối đầu tiếp với Mỹ và đồng minh có lẽ không mang lại lợi ích chiến lược nào cho chính quyền Syria và Nga vào thời điểm này.

Tấn công Syria: Cuộc đối đầu Mỹ - Nga đi về đâu? Tấn công Syria: Cuộc đối đầu Mỹ - Nga đi về đâu? Tấn công Syria: Đánh bom ai đó để chứng minh mình sẵn sàng đánh bom vào họ là lý do tồi tệ nhất Tấn công Syria: Đánh bom ai đó để chứng minh mình sẵn sàng đánh bom vào họ là lý do tồi tệ nhất NATO ủng hộ Mỹ, Anh và Pháp tấn công Syria NATO ủng hộ Mỹ, Anh và Pháp tấn công Syria

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước