2019 có thể xem là một năm nhiều sôi động của hoạt động văn hóa - giải trí. Sự lên ngôi của các sản phẩm trực tuyến, nhà nhà người người cùng làm YouTube, web drama với tham vọng kiếm tiền từ chính vốn sống của mỗi người.
Ranh giới giữa nghệ sĩ, nghệ thuật chính thống và nghệ sĩ mạng dần được xóa nhòa với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ. Tuy nhiên, có một thứ không bao giờ bị xóa nhòa hay biến mất, đó chính là thông điệp nhân văn, nhân bản trong từng sản phẩm dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư.
2019 cũng là năm chứng kiến sự trở mình và lên ngôi của các giá trị văn học, văn hóa bản địa.
Một cô Mị đi sneaker tìm tình yêu cho mình; lão Hạc, chị Dậu cùng những phát ngôn đậm xu hướng của giới trẻ, chuyện tình đẹp như mơ trong các tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh hay kho tư liệu đồ sộ về trang phục, lối sống cung đình nhà Nguyễn… tất cả sự tiếp nối và sáng tạo nói trên đang mở ra một chặng mới trong hành trình nghệ thuật của người trẻ. Mà trước hết, ta có thể thấy" văn hóa dân tộc đang là một nguồn tư liệu vô cùng dồi dào để đào sâu và khai thác.
Giữ gìn nguyên bản hay sáng tạo trên những thành tựu của cha ông đã không còn là câu chuyện của sự hô hào mang tính khẩu hiệu hay phong trào. Mỗi nghệ sĩ đều ý thức trách nhiệm của việc gìn giữ và phát triển văn hóa trong lĩnh vực mình đeo đuổi.
Có những người còn vươn đến một bầu trời xa hơn, đưa những nét văn hóa riêng có của Việt Nam ra với thế giới. Sáng tạo và học hỏi những điều mới mẻ của thế giới nhưng không mất đi bản sắc riêng của thế giới. Đó là Nguyễn Công Trí, nhà thiết kế Việt Nam duy nhất được Hiệp hội Thời trang Cao cấp châu Á chứng nhận và là 1 trong 100 nhà thiết kế cao cấp tiêu biểu thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!