Người Kurd vốn là một dân tộc có 40 triệu người sinh sống rải rác tại khu vực giao thoa giữa các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran và Iraq. Một bộ phận lớn người Kurd muốn thành lập một nhà nước riêng, điều mà tất cả các quốc gia trong khu vực đều không mong muốn.
Tuy nhiên, đối với Mỹ, lực lượng người Kurd vẫn luôn là một đối tượng trong chính sách đối ngoại của Washington. Việc Mỹ vừa tuyên bố rút quân khỏi Syria đã bị các lực lượng người Kurd xem như một sự bỏ rơi, sau 5 năm tham gia cuộc chiến của phương Tây chống IS tại Syria.
Mối quan hệ giữa Mỹ và các lực lượng người Kurd tại khu vực Trung Đông là một mối quan hệ không dễ dàng.
Năm 1973, Mỹ từng bí mật thỏa thuận với Iran để âm thầm hỗ trợ quân sự cho người Kurd ở Iraq, nhằm tìm cách thiết lập một nhà nước người Kurd độc lập ở miền bắc Iraq. Tuy nhiên, Iran bất ngờ ký hiệp định hòa bình với Iraq vào năm 1975. Trái với kỳ vọng Mỹ sẽ gây áp lực với Iran để tiếp tục hỗ trợ kế hoạch của mình, Washington lại cắt viện trợ với người Kurd. Lý do là bởi Washington coi Iran là đồng minh quan trọng hơn.
Sau khi Iraq thất bại trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, người Kurd coi đây là cơ hội để thành lập khu tự trị ở miền bắc nước này. Mỹ lại nhanh chóng hiện diện ở Iraq để bảo vệ người Kurd.
Năm 2017, trước ý định nhằm tách khỏi Iraq của người Kurd, chính quyền Iraq đã lập tức tiến hành tấn công quân sự vào khu vực của người Kurd. Một lần nữa, Mỹ vẫn không thể hiện bất cứ phản đối nào với chính quyền Iraq.
Cho tới năm 2018, Mỹ bất ngờ thông báo sẽ giảm sự hiện diện của mình tại Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là James Mattis đã từ chức để phản đối quyết định này. Dưới nhiều sức ép, ông Trump chỉ đồng ý để lại một số lượng nhỏ cố vấn quân sự ở Syria. Sự hỗ trợ này đến nay đã chấm dứt hoàn toàn khi lính Mỹ được lệnh rút khỏi căn cứ ở biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ vài ngày trước khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự vào khu vực do người Kurd kiểm soát ở Syria.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!