Một vấn đề tưởng như đã quá quen là ô nhiễm chất thải từ chính các cơ sở chăn nuôi lợn, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân cũng cần phải được các ban ngành và chính quyền lưu ý trong việc hướng dẫn tái đàn, gây dựng lại các cơ sở chăn nuôi, nhất là ở những hộ chăn nuôi với số lượng con lớn…
Sau những cản trở tiếp cận trang trại với lý do an toàn dịch bệnh, dù đại diện của chính quyền địa phương đi cùng và sẵn sàng thực hiện các biện pháp khử trùng đúng quy định, chủ 1 trong 3 trang trại lợn mà người dân thôn La Gián, xã Cổ Đông phản ánh đã gây ô nhiễm môi trường, vẫn khẳng định toàn bộ nguồn thải của 500 con lợn được thu gom, xử lý tập trung trong các bể chứa. Tuy nhiên, thực tế, những hố chứa chất thải sẽ là lộ thiên nếu như không có tấm bạt dứa, mà theo người dân nơi đây, mới được che gá tạm bợ hơn tháng nay, chưa kịp ố màu khiến mùi chất thải nồng nặc ở khu vực cách trại cả vài trăm mét.
Cũng theo những người dân phản ánh, ao hồ xung quanh 3 trang trại lợn với quy mô trung bình 500 con/trại, nước đều chuyển màu đen, bốc mùi hôi. Không ai dám chắc, khi nguồn nước mặt chuyển đen, sủi bọt ngày qua ngày, năm qua năm, nguồn nước ngầm có còn đảm bảo.
Sợ mùi, lo nước, đã có trang trại du lịch sinh thái, giấc mơ kinh tế của một hộ dân nơi đây phải bỏ hoang bởi không khách nào muốn ghé lần hai.
Theo nhiều người dân tại khu Cầu 10, thôn La Gián, xã Cổ Đông, tình trạng ô nhiễm do 3 trại lợn đã diễn ra nhiều năm nay. Mức độ mỗi ngày một nặng.
Từ năm 2012 - 2014, người dân cũng đã có đơn phản ánh. Tuy nhiên, sau khi bị phạt hành chính, tình trạng ô nhiễm chất thải tại các trang trại này vẫn tiếp diễn.
Tháng 7 vừa qua, hàng chục hộ dân khu vực này đã ký đơn phản ánh, gửi tới chính quyền thị xã Sơn Tây, tiếp tục yêu cầu xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường do 3 trang trại lợn gây ra. Tuy nhiên, theo người dân, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa có bất cứ phản hồi gì.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!