Một học sinh được 29,25 điểm vẫn trượt Đại học Y Hà Nội, trong khi một thí sinh khác chỉ đạt 28 điểm, nhưng do có 1,5 điểm ưu tiên, nên trở thành người đỗ chính thức. Trên thực tế, những tranh cãi về chuyện cộng điểm ưu tiên khu vực không phải lần đầu mới có.
Quá nhiều điểm cao, cộng điểm ưu tiên khu vực lại gây tranh cãi
Có điều, câu chuyện này thực sự trở thành vấn đề nóng trên các diễn đàn, trang mạng xã hội năm nay khi có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao. Vậy vấn đề cộng điểm ưu tiên cần nhìn nhận như thế nào cho đúng, trong bối cảnh có những thay đổi về cấu trúc đề thi, cũng như chất lượng giáo dục giữa các vùng miền?
Danh sách trúng tuyển ngành bác sỹ đa khoa Đại học Y dược TP.HCM năm 2017, trong tổng số 404 thí sinh trúng tuyển, chỉ có khoảng 31 thí sinh khu vực 3 đỗ vào trường. Là giáo viên ôn thi tốt nghiệp nhiều năm, theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, việc duy trì chính sách cộng điểm ưu tiên khu vực là điều đúng đắn. Tuy nhiên, trong bối cảnh chênh lệch về giảng dạy và giáo dục ngày càng thu hẹp giữa các vùng miền, việc điều chỉnh mức điểm cộng ưu tiên là điều phải bàn tới.
Cũng theo các chuyên gia, việc điều chỉnh điểm ưu tiên khu vực lại càng phải cân nhắc, nhất là trong bối cảnh năm nay đề thi không thể hiện được vai trò phân hoá thí sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!