Bộ trưởng Chu Ngọc Anh.
Chia sẻ với ban lãnh đạo Viettel, người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ nhắc lại một câu hỏi quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết số 5, Hội nghị Trung ương 4: "Làm thế nào để nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp, thông qua đó tăng sức cạnh tranh, đóng góp cho nền kinh tế?". Câu trả lời được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đưa ra: "Chắc chắn đòi hỏi phải có những tập đoàn dẫn dắt về công nghệ".
Nhắc lại chuyện không ít người nói "doanh nghiệp Việt không phụ trợ được cho Samsung", Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nhận xét: "Cái đấy đúng một nửa. Không phải mọi thứ chúng ta đều theo được, nhưng cũng không phải là không có hay chúng ta không làm được".
Ông Chu Ngọc Anh cũng lưu ý là Việt Nam rất cần những tập đoàn dẫn dắt về công nghệ như Samsung ở Hàn Quốc. Thế nhưng, ở Việt Nam, khi Samsung tới, họ mang theo chuỗi phụ trợ, vệ tinh đi theo, lập ra rào cản để những sản phẩm nội địa hoá không vào được.
"Thế nhưng với cách đi lên của Viettel, chúng ta lập tức dẫn dắt được, và giờ đã có khoảng 300 công ty, chưa kể các viện, có KHCN rất tốt", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận xét.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh làm việc với Viettel.
Bộ trưởng KHCN đánh giá cao, cách tiếp cận của Viettel với khoa học công nghệ là trở thành người dẫn dắt và tạo ra công nghiệp phụ trợ chứ không cố làm các sản phẩm phụ trợ. "Viettel là đơn vị có vai trò dẫn dắt về công nghệ, trở thành một thể hiện sinh động kết hợp hài hòa giữa kinh tế và quốc phòng", người đứng đầu ngành Khoa học Công nghệ khẳng định.
Nhắc đến nhiều sản phẩm công nghệ về quân sự (25 sản phẩm đã được trang bị toàn quân) cũng như dân sự quan trọng (các sản phẩm công nghệ của mạng lõi như BTS 4G, vOCS 3.0…) đã được Viettel sản xuất thành công và cung cấp rộng rãi, ông Chu Ngọc Anh cho rằng: Năng lực trình độ công nghệ kết hợp với kỷ luật, kỷ cương và bản lĩnh của người lính đã giúp Viettel thành công.
Điều này theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ: "Doanh nghiệp khu vực dân dụng sẽ khó hơn nhiều". Ở các nước khác, nhiều sản phẩm công nghệ cũng bắt đầu từ lĩnh vực quốc phòng trước, rồi mới lan ra khu vực dân dụng và công nghiệp dân sinh.
Chia sẻ về chính sách đối với khoa học công nghệ đang được chuyển mạnh theo hướng chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ nhanh nhất vào cuộc sống, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng phải huy động được mạnh mẽ nguồn lực của xã hội và "doanh nghiệp sẽ là trung tâm của đối mới và sáng tạo".
Hiện tại, ngân sách Nhà nước dự chi khoảng 2% cho việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhưng "chi thực tế cho hoạt động nghiên cứu phát triển chưa được bao nhiêu, còn nguồn vốn xã hội hoá thì chưa được triển khai quyết liệt". Bộ trưởng nhận định, khi cần tăng cường sức mạnh, đẩy mạnh xã hội hóa, phải nhìn thấy ngay nguồn lực trước hết là doanh nghiệp, nhất là các đơn vị dẫn đầu như Viettel.
Lấy Viettel làm điển hình cho mô hình hiệu quả của đầu tư nghiên cứu phát triển, Bộ trưởng nhận định: "Chúng tôi ước ao các lĩnh vực khác cũng có doanh nghiệp tập đoàn dẫn đầu như thế này!" và đề nghị Viettel "phải có sự chú ý đến vai trò dẫn dắt cả ngay trong công nghiệp quốc phòng lẫn trong dân sự".
Ông Chu Ngọc Anh nhận xét, nhiều hoạt động khoa học công nghệ của Viettel đi đầu và coi như thí điểm. "Thông qua đó các đồng chí quay trở lại và tác động tích cực vào quá trình xây dựng chính sách và pháp luật về khoa học công nghệ", Bộ trưởng nhận xét.
Dẫn ra thương vụ đầu tư cho một Startup làm camera, ông Chu Ngọc Anh đánh giá cao việc Viettel đã thay đổi chiến lược từ việc mua toàn bộ sang chỉ mua dưới 20% cổ phần. "80% của các bạn trẻ ở đấy để họ tiếp tục có động lực sáng tạo nhưng mặt khác lại có 20% để tựa vào thương hiệu và nền tảng công nghệ khác của Viettel".
Và trong phần cuối cùng của bài phát biểu tại Viettel, Bộ trưởng KHCN nói đến "sự kết hợp lưỡng dụng về kinh tế và quốc phòng" mà "nhiều hội nghị đã nói nhưng thực hiện chắc chưa nhiều". Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận xét: "Kỳ này có chuyển biến rất hay chính là nhờ bàn về mô hình Viettel. Tôi thấy là đi đúng hướng".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!