Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Viettel luôn nhận việc khó về mình và làm đến cùng

Theo Báo Đầu tư-Thứ ba, ngày 11/07/2017 10:37 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đánh giá cao dấu ấn của Viettel trong lịch sử phát triển ngành viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam

VTV.vn - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá cao dấu ấn của Viettel trong lịch sử phát triển ngành viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam, cũng như trên trường quốc tế.

Phát biểu trong buổi làm việc tại Viettel với Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đánh giá cao dấu ấn của Viettel trong lịch sử phát triển ngành viễn thông và công nghệ thông tin Việt Nam, cũng như trên trường quốc tế.

"Sau 30 năm thành lập, Viettel đã đặt một dấu ấn rất quan trọng, chúng tôi hay nói đùa với nhau là dấu ấn Viettel, tạo ra chuyển biến bước ngoặt trong lịch sử phát triển của ngành viễn thông, CNTT của Việt Nam. Không chỉ đóng góp cho đất nước ở góc độ kinh tế, Viettel còn có những nghiên cứu giá trị, làm nền tảng cho sản xuất công nghiệp quốc phòng mang dấu ấn Việt Nam, đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đưa ra dẫn chứng, năm 2016, nếu 5 doanh thu của 5 doanh nghiệp hàng đầu ngành TT&TT gồm: Viettel, VNPT, MobiFone, VTC, VNPost là 417.335 tỷ đồng và nộp ngân sách là 49.469 tỷ đồng thì chỉ riêng Viettel đóng góp là 256.558 tỷ đồng (chiếm 61,5%) và nộp ngân sách là 40.396 tỷ đồng (chiếm 81,65%).

Chỉ tính 5 tháng đầu năm nay, doanh thu của các doanh nghiệp hàng đầu của ngành TT&TT là 212.243 tỷ đồng và nộp ngân sách là 25.170 tỷ đồng thì Viettel đã đạt doanh thu 115.522 tỷ đồng (chiếm 54,4%), nộp ngân sách là 20.190 tỷ đồng (chiếm 80%). Điều này cho thấy đóng góp của Viettel cho nền kinh tế là rất lớn.

Nếu không nhắc tới kinh tế, với tư lệnh ngành Thông tin và truyền thông, một trong năm điểm gây ấn tượng mạnh nhất khi nhắc đến Viettel là góp phần quan trọng tạo nên sự bùng nổ về ngành viễn thông ở Việt Nam trong suốt hai thập kỷ qua. Đây là điều không phải bất cứ tập đoàn kinh tế có tiềm lực nào cũng có thể thực hiện được.

Giờ đây, Viettel còn đi đầu về hạ tầng 4G, triển khai nhanh nhất trong số các nhà mạng cùng nhận được giấy phép khai thác, với tổng thời gian chỉ 6 tháng. Sự thần tốc ấy, theo Bộ trưởng Tuấn, thậm chí còn vượt rất nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới, trở thành niềm tự hào chung của Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ Bộ ngành xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh như tin nhắn rác, sim rác, phủ sóng vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, thông tin liên lạc, Viettel còn tiên phong chủ động vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ các quốc gia chủ động vật tư, kỹ thuật xây dựng hệ thống viễn thông quốc gia tự chủ, hiện đại.

"Viettel tiên phong chủ động bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất và thành tựu quan trọng nhất là sản xuất được ‘bộ não’ và ‘trái tim’ của hạ tầng mạng viễn thông, gồm Tổng đài, hệ thống tính cước thời gian thực, hệ thống quản lý thuê bao, thiết bị viễn thông 4G…

Viettel cũng là đơn vị tiên phong đầu tư ra nước ngoài và mở rộng thị trường, đưa dấu ấn kinh tế và văn hoá Việt ra thế giới, với 10 nước trên thế giới và 35 triệu thuê bao.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận xét: "Đó là tinh thần bản lĩnh người lính luôn nhận những việc khó về mình, không ngại gian khổ và làm đến cùng. Tôi đánh giá rất cao Viettel, luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân lên trên lợi ích doanh nghiệp để giúp cho mình có quyết sách, góp phần giúp đất nước phát triển bền vững.

"Nếu không có Quân đội, không có Viettel thì phủ sóng ở những vùng biên giới, khó khăn chẳng có ai làm. Nếu không vì an ninh quốc gia thì chi nhiều nghìn tỷ cho Công nghiệp quốc phòng và các công cụ tác chiến mạng cũng không ai có thể đủ sức để làm. Nếu không vì an toàn thông tin quốc gia thì Viettel cũng sẽ không chủ động nghiên cứu sản xuất hạ tầng viễn thông – một lĩnh vực rất khó, thậm chí trên thế giới cũng chỉ có một vài Tập đoàn thuộc một vài quốc gia làm được", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cũng nhắn nhủ, để đưa Viettel trở nên vĩ đại, trường tồn thì đội ngũ kế cận cần có đủ tâm, đủ tầm, đủ bản lĩnh chính trị, cũng với đó là khả năng sáng tạo, kiến tạo với tinh thần khởi nghiệp, sẵn sàng hội nhập thực sự với thế giới phẳng.

Viettel cũng cần tạo ra chiều sâu, chiều rộng cho các dịch vụ viễn thông – ngành mũi nhọn của tập đoàn – nhằm làm tốt vấn đề an sinh xã hội, bình dân hoá dịch vụ viễn thông và CNTT tại Việt Nam, xuất khẩu ra nước ngoài, tạo sức mạnh kinh tế cũng như đóng góp đáng kể cho GDP cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước