Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/11, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về vấn đề mạng 5G.
"Công nghệ 5G là công nghệ được phát triển rất nhiều trên thế giới. Trung Quốc hiện có khoảng 100 triệu thuê bao với tổng chi phí đầu tư là 200 tỷ USD trong 5 năm. Việc triển 5G của Việt Nam hiện tại có chậm trễ không và làm thế nào để hạn chế tốn kém, lãng phí khi triển khai diện rộng?" - đại biểu đoàn An Giang hỏi.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam làm mạng 5G không chậm: "Năm 2019 chúng ta đã thử nghiệm kỹ thuật. Năm 2020, khi Liên minh viễn thông thế giới công bố chuẩn, chúng ta cho tiến hành thử nghiệm thương mại, tức là bắt đầu kinh doanh có thu phí. Vào năm 2021, chúng ta sẽ triển khai diện rộng".
Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết thêm, trong lịch sử, mạng 2G Việt Nam đi cùng nhịp với thế giới khi chúng ta triển khai từ 1992 còn chuẩn từ năm 90 và lọt vào top cao của thế giới. Đến 3G, 4G, Việt Nam chậm chân hơn từ 7 đến 8 năm và xếp hạng 108 vào năm 2017, đến năm nay mới lên hạng 77.
Trước lo ngại nếu triển khai sớm dẫn đến sự tốn kém, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta triển khai 5G theo pha. Pha 1 chúng ta sẽ làm các thành phố lớn, trung tâm đông người để ở chỗ 4G bị nghẽn, đồng thời triển khai ở các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học để phục vụ cho các công nghệ mới thì chi phí không lớn".
"Chúng ta triển khai 5G là dựa trên hạ tầng đã có của 4G gồm nhà trạm, cột ăng ten, truyền dẫn... 70% là dùng lại được. Chúng ta triển khai 5G với tinh thần là sẽ dùng chung cơ sở hạ tầng. Hiện nay Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp xây dựng phương án trong năm nay thì sẽ ra được một quy định về dùng chung cơ sở hạ tầng 5G, kể cả dùng chung thiết bị. Chúng ta mà làm 5G, đồng thời là tắt 2G, 3G để giảm chi phí khai thác cho các nhà mạng".
Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cũng báo tin vui rằng khi triển khai diện rộng 5G, chúng sẽ có thiết bị 5G made in Việt Nam với chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà mạng.
Trước đó, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Tập đoàn Viettel) và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) là hai đơn vị vừa cấp giấy phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
5G là viết tắt của Fifth Generation (thế hệ thứ năm), tên của tiêu chuẩn tiếp theo trong giao tiếp di động sau tiêu chuẩn LTE (4G) hiện tại, nối tiếp UMTS (3G) và GSM (2G). Tốc độ của 5G nhanh gấp khoảng 10 lần so với 4G, cho phép kết nối nhiều thiết bị hơn với độ trễ thấp.
Tháng trước, việc Apple cho ra mắt 4 mẫu điện thoại iPhone 12 series mới đều có kết nối 5G hứa hẹn sẽ tạo cú hích cho thị trường 5G toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!