Trong bài viết "Ảo ảnh bốn chấm không" trong mục Góc nhìn của trang Vnexpress, tác giả viết: "Trước một chuyến bay, tôi đọc trên điện thoại tin tức về một cuộc thi hoa hậu có câu hỏi ứng xử về cách mạng 4.0. Máy bay vừa hạ cánh, xem điện thoại lại thấy email từ quận ủy Bình Thạnh mời doanh nghiệp dự hội thảo của quận ủy tổ chức với chủ đề "Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và Thách thức".
Xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước, doanh nhân Đinh Hồng Kỳ nhận thấy các đối tác nước ngoài không quá bận tâm đến 4.0 vì theo họ công nghệ thông tin liên tục thay đổi trong 20 năm qua và nó thay đổi tới đâu họ ứng dụng tới đó. Việc tuyên truyền về 4.0 theo tác giả khiến nhiều người xem nó như sức mạnh thần kỳ.
Tác giả dẫn chứng câu chuyện số hoá doanh nghiệp, một số cho rằng không số hoá là chết. Tuy nhiên, theo tác giả số hóa trong hoạt động là tốt nhưng không phải cứ số hoá ắt sẽ thành công. Doanh nghiệp nhỏ vốn ít sẽ hoang mang khi bỏ ra chi phí lớn để số hoá vì sợ nếu không thay đổi sẽ chết nhưng sự thay đổi chưa biết có sống được hay không.
Trong bài viết "Thay vì nói chuyện 4.0, hãy bàn về kinh tế số" đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn có nội dung: "Không lâu sau khi Facebook thông báo sở hữu gói bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh tại Đông Nam Á, mở ra cơ hội xem miễn phí, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép". Đây là một ví dụ sinh động nữa cho thấy sự va chạm lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh truyền thống và mô hình mới.
Facebook, Grab, Youtube... những dịch vụ xuyên biên giới này đã và đang tạo lập mới và định hình lại cách thức sống, cách thức làm việc của phần lớn người dân, ở phần lớn các quốc gia tiếp cận đến Internet. Tạo lập và định hình lại cách sống, cách làm việc cũng đồng nghĩa với việc phát sinh những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa mới và xung đột đương nhiên sẽ xuất hiện.
Cấm - không cấm, vi phạm bản quyền, thất thu thuế, xâm phạm quyền riêng tư, hoành hành của tin giả… đó là tất cả những từ khoá đang đi tìm một từ khoá chung "khung pháp lý". Điều chỉnh khung pháp lý cho nền kinh tế số đang làm đau đầu các hoạch định chính sách trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Giữa làn sóng hội thảo, hội nghị bàn luận về cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay lại thấy thiếu vắng những thảo luận cụ thể, chi tiết về những vấn đề sát sườn, gắn với chuyện "cơm áo, gạo tiền", với sự sống còn và tương lai của hàng chục triệu người dân, hàng triệu doanh nghiệp liên quan đến những xung đột ở trên.
Ví như hiện đường hướng chính sách đối với Grab, Facebook, Youtube... vẫn chưa có lối ra. Vì vậy, thay vì nói 4.0 ở thì tương lai, hãy nói về Facebook, Youtube, là những điều đang hiển hiện trước mắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!