Chỉ dẫn địa lý là công cụ cho phép bảo tồn, chống lại sự lạm dụng, gian lận thương mại và tăng cường lợi thế so sánh, sức cạnh tranh của sản phẩm. Chỉ dẫn địa lý đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn sự đa dạng sinh học, thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.
Trong sự phát triển chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết. Tuy nhiên, sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản của địa phương còn bộc lộ những hạn chế nhất định.
Câu hỏi đặt ra là cần phải làm gì để phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng, quản lý và phát triển sản phẩm được bảo hộ?
Để giải đáp thắc mắc này, chương trình Câu chuyện Sở hữu trí tuệ đã mời tới trường quay TS. Đào Đức Huấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn, Viện Chính sách Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo chia sẻ của khách mời, để phát huy vai trò này, cần tiếp tục xây dựng khung chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh mối liên kết giữa 4 "Nhà" gồm: Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Nhà nông. Bên cạnh đó, cũng cần phải quan tâm hơn nữa đến việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm được bảo hộ, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!