Đây là một trọng tâm chính sách trong chiến lược tăng trưởng và phục hồi hậu COVID-19 của Thủ tướng Kishida Fumio.
Trong hội nghị thúc đẩy số hóa địa phương diễn ra mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu trong thời gian 5 năm, kể từ năm 2022, có thể xây dựng được đội ngũ gồm 2,3 triệu người có chuyên môn đảm nhiệm việc thúc đẩy số hóa. Trong đó, năm 2022 tới đảm bảo khoảng 10.000 nhân viên có trách nhiệm hướng dẫn cách thức sử dụng các phương tiện số hóa cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tham vọng. Đó là vào năm 2023, 90% dân số sử dụng mạng thông tin liên lạc tốc độ cao 5G và xây dựng được khoảng 10 trung tâm dữ liệu địa phương. Vào tháng 10 năm nay, một cơ quan kỹ thuật số mới được Chính phủ Nhật Bản thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy một cách tổng hợp hệ thống hành chính kỹ thuật số.
Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại Nhật Bản
Nhật Bản được biết đến là quốc gia đi đầu về công nghệ, là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, nước này lại đang tụt hậu so với các quốc gia phát triển khác trong việc số hóa nền kinh tế. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh kỹ thuật số thế giới do Viện Phát triển quản lý quốc tế công bố, Nhật Bản chỉ xếp thứ 27 trên toàn cầu và đứng ở vị trí thứ 7 tại châu Á, xếp sau các quốc gia như Singapore, Trung Quốc hay Hàn Quốc.
Mặc dù đặt mục tiêu cải cách từ năm 2000, số hóa trong lĩnh vực hành chính tại Nhật Bản vẫn tiến bộ chậm chạm, điều này hoàn toàn trái ngược với hình ảnh một quốc gia hàng đầu về khoa học công nghệ.
Có thể thấy, sự chậm chạp này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có 4 nguyên nhân chính, thứ nhất là sự quan tâm đầu tư của Chính phủ Nhật Bản trong lĩnh vực này trước đó chưa lớn; thứ hai là sự không tập trung hệ thống thông tin, mỗi địa phương có một hệ thống khác nhau, không có sự liên kết, kể cả với hệ thống của trung ương; thứ ba là những lo ngại về quyền riêng tư, người dân chưa tin tưởng khả năng bảo mật trên hệ thống công nghệ thông tin của chính quyền và cuối cùng là văn hóa con dấu và công văn, một đặc trưng trong hoạt động hành chính của Nhật Bản nhiều năm qua nhưng là trở ngại lớn dẫn đến sự chậm trễ trong lộ trình số hóa.
Nhật Bản đặt mục tiêu 90% dân số sử dụng mạng thông tin liên lạc tốc độ cao 5G vào năm 2023
Với sáng kiến "Quốc gia, thành thị, nông thôn kỹ thuật số", Nhật Bản sẽ bắt đầu tăng cường đầu tư cho lĩnh vực số hóa. Theo đó, ngân sách dành cho lĩnh vực này trong năm tài khóa 2021 và 2022 sẽ khoảng 50 tỷ USD, ngân sách này sẽ được sử dụng để thúc đẩy số hóa một cách đồng đều ở cả thành thị và nông thôn.
Trước đó, nước này cũng đã thông qua dự luật quan trọng để thành lập các cơ quan kỹ thuật số nhằm tăng cường việc ứng số hóa, tiếp đó là thúc đẩy thống nhất hệ thống công nghệ thông tin trong lĩnh vực hành chính công, yêu cầu chính quyền địa phương phải có hệ thống thống nhất, đáp ứng tiêu chuẩn chính phủ, đồng thời đảm bảo yêu cầu bảo vệ thông tin cá nhân. Dự luật mới cũng khuyến khích sử dụng dữ liệu số thay cho tài liệu giấy, dần hạn chế thói quen sử dụng con dấu trên các văn bản và giấy tờ chính thức cho nhiều thủ tục hành chính. Nếu dự luật này triển khai thành công, Nhật Bản có thể xóa bỏ các rào cản hiện có đối với quá trình số hóa tại nước này.
Theo Hiệp hội Kinh tế mới Nhật Bản, chỉ riêng việc số hóa các quy trình hành chính và hồ sơ kế toán đã có thể tiết kiệm được 2 nghìn tỷ Yên, tương đương khoảng 19 tỷ USD. Những cải cách kỹ thuật số mạnh mẽ hơn cũng có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động của Nhật Bản và thúc đẩy đầu tư vốn.
Đại dịch COVID-19 bùng phát được xem như một cú hích để Nhật Bản đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số. Trước mắt, chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio đặt mục tiêu 31 thủ tục hành chính liên quan đến chăm sóc trẻ em, chăm sóc người cao tuổi và các vấn đề khác sẽ được số hóa trước tháng 3/2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!