Đơn cử như Facebook, nhiều lãnh đạo thế giới đã yêu cầu mạng xã hội lớn nhất thế giới này phải chịu trách nhiệm về việc để các nội dung cực đoan phát tán trên nền tảng của mình. Việc tăng cường kiểm soát mạng xã hội cũng đang được đề cập tới.
Ở khía cạnh xã hội, vụ việc đang làm dấy lên một làn sóng tẩy chay Facebook, nhất là các công ty quảng cáo. Điều này có thể gây thiệt hại kinh tế rất lớn đối với Facebook. Đây là một đòn mạnh nữa giáng vào Facebook khi vẫn đang còn phải đối mặt với những cuộc điều tra về bảo vệ quyền riêng tư và chia sẻ thông tin người dùng.
Những áp lực tương tự cũng đang đè lên vai các nền tảng mạng xã hội khác như Youtube hay Twitter.
Facebook hiện có 300.000 người kiểm soát nội dung, trong đó, một nửa làm thủ công, số còn lại xây dựng các giải pháp kiểm soát tự động, trong đó có trí tuệ nhân tạo.
Facebook hiện cũng là thành viên của Diễn đàn Internet toàn cầu chống khủng bố, một liên minh những công ty công nghệ hàng đầu thế giới chống khủng bố trên mạng. Tuy nhiên, vụ việc lần này cho thấy những biện pháp của Facebook đã không hiệu quả.
Điều này cũng dễ hiểu bởi 300.000 người của Facebook khó có thể kiểm soát được hết hoạt động của hàng tỷ người dùng mạng xã hội này. Trí tuệ nhân tạo, dù có tối tân nhất cũng chỉ có thể phát hiện và cảnh báo những hoạt động tương tự với những gì đã có trong cơ sở dữ liệu. Trong khi đó, cuộc sống lại muôn hình vạn trạng. Vì thế, nỗ lực của riêng các công ty công nghệ không bao giờ là đủ.
Bên cạnh việc các công ty này phải tăng cường các biện pháp quản lý nền tảng và người dùng, các quốc gia cũng cần có những quy định về hành vi trên mạng xã hội của công dân mình nhưng quan trọng hơn cả là ý thức và trách nhiệm của chính những công dân mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!