Đây là vòng sơ loại để tìm ra start-up tiêu biểu dự cuộc thi bán kết vào ngày 30/11 tại Đà Nẵng. Sự kiện này là hoạt động thường niên nổi bật trong khuôn khổ TECHFEST – Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Với sự hiện diện của ban giám khảo là đại diện Ban ngành, các tổ chức hỗ trợ, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư... cuộc thi là cơ hội đặc biệt cho các start-up cơ hội học hỏi, tiếp cận các nhà đầu tư và giành tấm vé đi đến vòng bán kết.
Ở vòng loại, mỗi start-up có 5 phút thuyết trình về các giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh cũng như khả năng phát triển thị trường trước ban giám khảo là các chuyên gia khởi nghiệp, du lịch, nhà đầu tư... Phần lớn các giải pháp đã tận dụng được thế mạnh của công nghệ để nắm bắt nhu cầu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của thị trường.
Ban tổ chức cho biết, các dự án tham gia cuộc thi đã phát huy được nhiều lợi thế của lĩnh vực công nghệ 4.0, có thể kể đến như: Holomia sản xuất các ứng dụng và nội dung trải nghiệm Công nghệ 3D, Thực tế ảo, Thực tế tăng cường. Sứ mệnh của Holomia là làm ra các sản phẩm công nghệ cao, giàu chất xám sánh tầm với các sản phẩm công nghệ trên thế giới từ đó, xây dựng được lòng tin, khẳng định vị thế và năng lực sáng tạo của người Việt Nam trên thị trường quốc tế.
VBee là nhóm nghiên cứu, phát triển các giải pháp, dịch vụ số hóa dữ liệu và nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, tập trung chính vào công nghệ chuyển văn bản thành tiếng nói Text-To-Speech (TTS) và hội thoại thông minh. Các ứng dụng VBee đang phát triển và triển khai bao gồm tổng đài tự động, nhà thông minh, báo nói, sách nói, thuyết minh phim tự động...
MagixBow là công ty cung cấp các giải pháp về tối ưu hóa và tự động hóa doanh nghiệp. Với mục tiêu nâng cao năng suất lao động của người Việt, tăng giá trị đóng góp xã hội lên mức cao nhất. Luôn theo đuổi triết lý "Happyness At Work", làm việc để hạnh phúc, hạnh phúc để làm việc, luôn mong muốn mỗi ngày trôi qua là một ngày vui vẻ và có ý nghĩa nhất; Ra đời từ việc giải quyết 4 bài toán chính cản trở sự phát triển của ngành IoT Việt Nam.
iNut Platform là nền tảng công nghệ, dùng cho việc lập trình và phát triển các ứng dụng của IoT. iNut Platform thường sử dụng kết hợp với các thiết bị phần cứng (như PLC) và các thiết bị phần mềm để tạo nên một hệ thống IoT kết nối giữa những thiết bị chạy bằng điện (cảm biến, đèn, quạt, tụ điện…) để điều kiện được trên điện thoại thông minh hoặc máy vi tính. iNut Platform là nền tảng đứng ở giữa, kết nối ba bên: nhà phát triển phần cứng, nhà phát triển phần mềm và người sử dụng cuối.
Với sự bùng nổ của khoa học công nghệ cùng các đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực lập trình và trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi công việc ngày càng tổ chức, quản lý một cách khoa học và hiệu quả hơn, JobChat được xây dựng nên với mong muốn việc trao đổi, quản trị, xây dựng quy trình làm việc trở nên linh hoạt, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Trang bị các tính năng đặc biệt dành cho Chat trong công việc cùng với hàng loạt các tính năng Job tiên tiến và linh hoạt giúp cho công việc của bạn quản trị và phối hợp với các bộ phận khác nhịp nhàng. Không dừng lại ở đó, JobChat là sự kết hợp nhịp nhàng mà ở đó bất kỳ khi nào, bất kỳ ở tại đâu đều có thể thảo luận, kiểm tra đầu việc và xử lý một cách khoa học.
Đánh giá cao về các dự án tham dự cuộc thi, Shark Vương - Phó Chủ tịch Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận định, cuộc thi thể hiện đúng tinh thần chính là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hầu hết các dự án đem đến cuộc thi đều là công nghệ mới, một số dự án sử dụng trên nền các công nghệ thế giới sẵn có nhưng vào thực tiễn Việt Nam đã có sự sáng tạo, đặc biệt các ý tưởng đem đến không những hứa hẹn sẽ phục vụ tốt cho thị trường Việt Nam và mang tính quốc tế hóa cao.
Tuy nhiên, Shark Vương cũng cho rằng, mặc dù có nhiều dự án khả thi nhưng tính đột phá và áp dụng ý tưởng vào cuộc sống hay để thương mại hóa còn rất nhiều yếu tố. Đặc biệt, tính khả thi ở đây cần được tiếp tục bổ sung hoàn thiện thêm.
Vượt qua bán kết, vào chung kết tổ chức ngày 1/12 tại Đà Nẵng, đội chiến thắng sẽ có giải thưởng là chuyến đi Mỹ (thung lũng Silicon) và Hàn Quốc để kết nối đầu tư, giao lưu với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế.
Techfest được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 thu hút hơn 1.000 lượt khách tham dự, trong đó có 50 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ sở ươm tạo danh tiếng trong nước và quốc tế, 100 doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng. Tổng giá trị cam kết đầu tư sau sự kiện đạt hơn 1 triệu USD.
Đến năm 2016, sự kiện có trên 3.000 lượt người tham dự với hơn 180 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia triển lãm sản phẩm, dịch vụ, kết nối đầu tư… Năm 2017, số người tham dự là trên 4.500 trong đó có đại diện của hơn 100 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Đã có hơn 170 cuộc kết nối đầu tư được thực hiện. Năm 2017 cũng ghi dấu ấn tượng với 250 doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia trình diễn, trưng bày sản phẩm/dịch vụ đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!