Năm 2016 đánh dấu chặng đường 15 năm sân chơi Robocon được tổ chức tại Việt Nam dưới tên gọi Cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam. Với sự đồng hành của đơn vị tổ chức là Đài Truyền hình Việt Nam, cuộc thi đã mang tới cho các sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật có cơ hội thỏa mãn niềm đam mê chế tạo và điều khiển robot.
Bên cạnh chương trình Gala 15 năm Robocon Việt Nam: Trâu lá đa gợi nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ trên chặng đường chinh phục đỉnh cao cùng robot thông qua lời chia sẻ của những người đã gắn bó với cuộc thi từ những ngày đầu, bộ phim tài liệu khoa học Ươm mầm những ước mơ cũng là một trong những chương trình đánh dấu 15 năm kỷ niệm Việt Nam đồng hành cùng Robocon. Bộ phim mang tới khán giả cái nhìn chân thực, rõ nét về những khó khăn, vất vả đi kèm với cả những nụ cười chiến thắng, những khát khao vươn tới đỉnh vinh quang và ý chí quyết tâm vì tình yêu đối với robot của các thí sinh trên chặng đường chinh phục ước mơ Robocon.
Ngay từ tên gọi của bộ phim là Ươm mầm những ước mơ, đạo diễn Phan Huyền Thư muốn nhắn gửi một thông điệp đầy ý nghĩa: “Nếu không gieo những hạt giống, sẽ chẳng bao giờ có được những cánh rừng”. Thay vì bám theo mốc thời gian chặng đường 15 năm, đạo diễn đã chọn một cách tiếp cận hoàn toàn mới. Bộ phim kéo dài 55 phút xoay quanh cuộc sống thường ngày của những nhân vật chính là các sinh viên của một trường Đại học đã gắn bó với cuộc thi Robocon Việt Nam hơn 10 năm. Tuy nhiên, đây không phải là ngôi trường tham gia cuộc thi từ những ngày đầu và cũng không phải ngôi trường giành nhiều giải cao tại các mùa Robocon. Không có nhiều điều kiện đầu tư cho sinh viên nghiên cứu và chế tạo robot như những trường có tiếng tăm lớn trong “làng Robocon Việt Nam”, ngôi trường này vẫn ấp ủ niềm đam mê mãnh liệt đối với những chú robot. Mặc dù chưa thể vươn tới chức vô địch, tuy nhiên, thầy và trò của ngôi trường này vẫn không từ bỏ ước mơ chinh phục đỉnh cao Robocon.
Không lời bình, không yếu tố dàn dựng, bộ phim chỉ như một góc nhìn rõ nét về cuộc sống thường ngày của các sinh viên khi tham gia cuộc thi Robocon Việt Nam. Điều này giúp khán giả có thể trực tiếp cảm nhận những khó khăn mà các thí sinh phải đương đầu hàng ngày.
“Trong bộ phim này, chúng tôi muốn thể hiện cách làm phim chân thật nhất. Trước khi bắt đầu bấm máy thực hiện bộ phim, chúng tôi đã tới gặp các thí sinh và thỏa thuận sẽ không can thiệp một chút nào vào những hoạt động thường ngày của các em để mang tới những cảnh quay đời thường nhất. Do đó, tỷ lệ dàn dựng trong bộ phim gần như là không có” - đạo diễn Lưu Ngọc Ánh - phòng Công nghệ, Ban Khoa Giáo, Đài THVN - người đồng hành với đạo diễn Phan Huyền Thư trong quá trình lên kịch bản và thực hiện bộ phim chia sẻ.
Ngôi trường được nhắc tới trong bộ phim kỷ niệm 15 năm Việt Nam gắn bó với Robocon chính là Đại học Sao Đỏ. Giống như những ngôi trường “điển hình” khác tham gia cuộc thi Robocon, do điều kiện còn hạn chế, thầy và trò của Đại học Sao Đỏ đã tận dụng những linh kiện, thiết bị của các robot tham dự cuộc thi từ những năm trước kết hợp với những bộ phận phù hợp với chủ đề thi mới để tạo nên những chú robot cho mùa Robocon tiếp theo. Với sự hướng dẫn tận tình của các thầy giáo - những người từng nghiên cứu và tham gia cuộc thi Robocon những mùa đầu, sau khi trưởng thành đã quay trở lại trường để hướng dẫn các thế hệ sinh viên mới, các thí sinh như được tiếp thêm ngọn lửa đam mê trên sân chơi Robocon. Nhiều sinh viên phải đương đầu với vấn đề về kinh tế, gia đình hàng ngày thậm chí đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để đến với cuộc thi Robocon vì niềm đam mê.
“Niềm đam mê đối với khoa học - công nghệ của các sinh viên cần một môi trường sáng tạo và Robocon chính là môi trường đó. Trong các cuộc thi, ai cũng đều mong muốn giành được ngôi vô địch. Tuy nhiên, đối với các thầy hướng dẫn tham gia cuộc thi Robocon Việt Nam, khi đồng hành cùng các học trò trên sân thi đấu, việc giành chiến thắng đôi khi chỉ là điều kiện thứ yếu. Điều họ mong muốn nhất là sinh viên có cơ hội được va chạm, tiếp cận với các đối thủ mạnh để trưởng thành hơn từ cuộc thi, vững vàng hơn trên chặng đường tương lai sau khi ra trường” - theo ông Nguyễn Việt Phú - Phó phòng Công nghệ, Ban Khoa Giáo, Đài THVN - phụ trách Tổ chức sản xuất bộ phim chia sẻ.
Bên cạnh thầy và trò của trường Đại học Sao Đỏ, bộ phim còn có sự xuất hiện của Nhà báo Phạm Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN, thầy Ngô Thái Trị - nguyên Giám đốc Trung tâm Tin học Đo lường, Đài THVN - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi Robocon Việt Nam từ năm 2002, PGS-TS Nguyễn Tăng Cường, PGS-TS Lê Hoài Quốc - những người gắn bó với cuộc thi Robocon Việt Nam từ những ngày đầu và cả người được mệnh danh là “Dr. Robocon” - ông Masashi Shimizu - Chuyên gia nghiên cứu công nghệ tự động hóa - Cố vấn công nghệ của cuộc thi ABU Robocon.
Không chỉ có cách tiếp cận mới lạ, bộ phim còn mang đến một kết thúc đậm chất đời thường. Kết thúc cuộc thi, mọi việc đều trở lại bình thường. Không còn những giờ phút miệt mài điều chỉnh robot, không còn những trận thi đấu căng thẳng tại Robocon, mọi người lại về gia đình, về với giảng đường, về với căn nhà trọ quen thuộc. Bộ phim để lại một khoảng lớn phía sau, đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm về tương lai của các sinh viên sau khi tham dự cuộc thi Robocon Việt Nam.
Thông qua bộ phim, ê-kíp sản xuất muốn gửi tới khán giả thông điệp rằng những sinh viên khối kỹ thuật đều có tình yêu mãnh liệt dành cho Robocon. Dù khó khăn, vất vả trong việc cân bằng học tập với chế tạo robot, dù phải vật lộn kiếm sống, chăm lo cho gia đình, dù liên tiếp thất bại trước các đối thủ mạnh, các sinh viên vẫn không nản chí và luôn nắm lấy cơ hội được thỏa ước nguyện thi đấu hết mình trên sân chơi công nghệ này. Robocon luôn chiếm trọn một góc trong trái tim, trong niềm đam mê của các sinh viên tài năng Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!