NSND Lan Hương và Em bé Hà Nội
Em bé Hà Nội sản xuất năm 1974 bởi Hãng phim truyện Việt Nam, do NSND Hải Ninh làm đạo diễn. Bối cảnh phim là Hà Nội năm 1972, sau đợt dội bom B52 của Mỹ. Trong cảnh hoang tàn, đổ nát của thành phố, Ngọc Hà (NSND Lan Hương) - một em bé 12 tuổi đơn độc đi tìm bố mẹ và em gái bị thất lạc. Cô bé được những người lính tốt bụng giúp đoàn tụ với em gái.
Khán giả xem phim bị ám ảnh bởi đôi mắt to tròn, ngơ ngác của nhân vật chính. Đây cũng chính là điểm nhấn ở diễn viên Lan Hương khiến đạo diễn Hải Ninh bỏ nhiều công sức thuyết phục gia đình cho cô đóng phim. Cố đạo diễn kể ông từng gặp Lan Hương khi cô mới ba, bốn tuổi. Lúc đó, Hải Ninh rất ấn tượng với đôi mắt to, tròn của nữ diễn viên. Nhiều năm sau, khi tìm khắp Hà Nội không ra người đóng nhân vật chính cho Em bé Hà Nội, một đêm ông chợt mơ thấy cô bé Lan Hương ông từng gặp.
NSND Lan Hương khi đóng Em bé Hà Nội (trái) và Lan Hương ở tuổi ngoài 50.
"Tôi đến nói chuyện với bố mẹ cô bé. Ban đầu, họ phản ứng gay gắt đến nỗi cắt phéng hai bím tóc lúc lắc của Lan Hương mà tôi rất thích. Sau khi phim công chiếu và được yêu thích, mẹ Lan Hương cứ áy náy mãi", đạo diễn Hải Ninh từng chia sẻ.
Nhớ lại vai diễn đầu đời, NSND Lan Hương kể chị diễn xuất hoàn toàn theo hướng dẫn của đạo diễn, bảo khóc là khóc, chạy là chạy. "Tôi ấn tượng nhất cảnh đóng cùng cô Tuệ Minh vì cô diễn như thật. Thấy cô khóc, tôi cũng khóc, thấy cô run, tôi cũng run theo", nghệ sĩ nhớ lại.
Sau thành công của vai diễn đầu đời, Lan Hương thi tuyển vào lớp diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ khi chưa đầy 18 tuổi. Lúc đang theo học, chị kết hôn với một nghệ sĩ múa rồi sinh con. Hôn nhân của nữ diễn viên đổ vỡ sau đó không lâu, con gái cũng theo bố sang Đức sinh sống.
Nghệ sĩ Lan Hương tái hôn với NSND Tất Bình. Chị ghi dấu ấn trong các phim Những người sống quanh tôi, Thái sư Trần Thủ Độ... trước khi trở thành giám đốc đoàn kịch hình thể (nay là kịch thể nghiệm) vào năm 2006. Ở tuổi ngoài 50, NSND Lan Hương đã lên chức bà và có hai cháu ngoại.
Em bé trong phim Cánh đồng hoang
Cánh đồng hoang sản xuất năm 1978 là sản phẩm kết tinh trí tuệ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, đạo diễn Hồng Sến và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ngoài cảnh mênh mông, trù phú của Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, sự gan dạ, dũng cảm của những du kích miền Tây Nam bộ, phim khiến khán giả cảm động với hình ảnh em bé khóc, cười hồn nhiên giữa căn chòi nhỏ nằm chơ vơ giữa cánh đồng ngập nước.
Diễn viên vào vai em bé là cháu gọi đạo diễn Hồng Sến bằng ông. Anh tên thật là Nguyễn Văn Bình (còn gọi là Thuận), sinh năm 1978 tại ấp Vàm Gừa, xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, Long An. Khi đóng phim, Thuận mới được chín tháng tuổi. Mẹ anh kể lại trong một lần về quê, đạo diễn Hồng Sến nhìn cháu trai cười tủm tỉm rồi nói: "Cháu tôi sắp được lên phim rồi đây".
"Không ngờ vài tháng sau, ông ấy đem thằng bé ra giữa đồng đầy nước quay phim. Đến những cảnh quay thằng bé bị dìm xuống nước, ông Hồng Sến phải lừa vợ tôi đi chỗ khác để bà ấy khỏi xót con. Thuận sau đó bị cảm cúm liên miên mấy tháng trời sau khi phim quay xong", bố đẻ diễn viên nhí một thời nhớ lại.
Anh Thuận lúc 9 tháng tuổi (trái) trong phim" Cánh đồng hoang" và hiện tại.
Chia sẻ về vai diễn đầu tiên và cũng là duy nhất của mình, Thuận cho biết đến 15 tuổi anh mới được thấy mình trên màn ảnh dù từ nhỏ gia đình, bà con lối xóm hay kể với anh chuyện đóng phim.
Sau vai diễn đầu đời, năm 20 tuổi, Thuận lên TP.HCM với ước mơ theo đuổi diễn xuất. Nhưng đạo diễn Hồng Sến đã mất trước đó hai năm, diễn viên nhí ngày nào không có nhiều điều kiện để phát triển nghiệp diễn. Anh quay về quê, chọn làm nông và kết hôn ở tuổi 22.
Hiện, Nguyễn Văn Thuận sở hữu hàng trăm ha ruộng cùng đất đai và máy móc nông nghiệp. Thu nhập bình quân mỗi vụ lúa của anh lên tới 300 triệu đồng. Diễn viên nhí ngày nào đã là bố của hai con trai. Anh ao ước một trong hai con viết tiếp ước mơ dang dở của mình với nghệ thuật.
"Bé An" Hùng Thuận trong Đất phương Nam
Đất phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn là phim truyền hình dài tập ra mắt năm 1997. Phim khiến khán giả cả nước yêu thích khi mô tả cuộc sống chân thực của những người nông dân Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp. Dù loạn lạc, mất mùa, người dân luôn đùm bọc, yêu thương, động viên nhau vượt qua gian khó. Các nhân vật trong phim đã trở thành hình tượng đẹp trong ký ức nhiều thế hệ như bé An (Hùng Thuận), thằng Cò (Phùng Ngọc ), Võ Tòng (Lê Quang), ông Ba bắt rắn (NSƯT Mạnh Dung), bác Ba Phi (nhà văn Mạc Can)...
Khi đóng Đất phương Nam, Hùng Thuận mới hơn 10 tuổi. Anh được thầy giáo kiêm Bí thư đoàn trường dẫn đi casting và được đạo diễn Vinh Sơn chọn vào vai An. Cùng năm, diễn viên nhí đoạt giải Mai Vàng hạng mục diễn viên được yêu thích nhất cùng với nhiều giải thưởng khác của báo Mực Tím, Hoa Học Trò... "Phim đã đóng máy gần 20 năm nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi đều có cảm giác rất khó tả. Đó là vinh quang nhưng cũng là cái bóng quá lớn trong sự nghiệp của tôi", nam diễn viên chia sẻ.
Hùng Thuận trong phim Đất phương Nam (trái) và Hùng Thuận hiện tại.
Sau vai diễn để đời trong Đất phương Nam, Hùng Thuận tham gia một số phim về thiếu nhi như Cuộc phiêu lưu kỳ thú, Hoa ngũ sắc… nhưng không để lại dấu ấn. Anh chuyển sang lĩnh vực ca hát, trở thành thành viên nhóm MBK. Tuy nhiên, hoạt động âm nhạc của diễn viên nhí cũng không gây nhiều chú ý.
Sau khi nhóm MBK tan rã, Hùng Thuận đi hát solo nhưng cũng không thành công. Năm 2010, nam diễn viên gây chú ý trở lại sau khi tham gia phim Cổng mặt trời. Từ đó, anh đóng đủ dạng vai từ phản diện, đồng tính, tội phạm... trong nhiều phim truyền hình nhưng chưa có vai diễn nào thực sự ấn tượng.
Hùng Thuận sớm kết hôn với một fan nữ và có con trai. Cả hai được cho là đã đường ai nấy đi vài năm nay. Hiện ngoài công việc diễn xuất, nam diễn viên theo học lớp đạo diễn trường Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Thời gian gần đây, anh tích cực tham gia một số gameshow truyền hình.
Thanh Mỹ với Đoạt hồn và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ gây sốt phòng vé những ngày qua, khán giả một lần nữa gặp lại diễn viên nhí Thanh Mỹ trong vai Mận. Diễn xuất hồn nhiên, trong sáng, chân thực của Thanh Mỹ khiến khán giả bất ngờ khi so sánh với biểu cảm xuất thần của em trong phim kinh dị Đoạt hồn ra mắt hè năm ngoái.
Thanh Mỹ trong phim Đoạt hồn (trái) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Thanh Mỹ tên thật Lâm Thanh Mỹ, sinh năm 2005 trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Nhờ gương mặt dễ thương, từ nhỏ Thanh Mỹ đã là gương mặt nhí được chú ý.
Diễn viên nhí tâm sự rằng từ lúc 5 tuổi, em đã được gia đình tạo điều kiện tham gia diễn xuất. Khi 8 tuổi, Thanh Mỹ đã đóng hơn 30 sản phẩm quảng cáo, 10 phim truyền hình, xuất hiện đều đặn trong vai trò MC chương trình thiếu nhi và diễn viên lồng tiếng. Khởi nghiệp điện ảnh với một vai nhỏ trong phim Âm mưu giày gót nhọn, nhưng Thanh Mỹ chỉ thực sự được chú ý khi đóng Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần vào năm 2014.
Năm 2015, ngoài việc tham gia các phim như Ma dai, Cầu vồng không sắc hồi đầu năm, Thanh Mỹ là một trong ba gương mặt chính của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Cô bé được coi là nhân tố nhiều tiềm năng của màn ảnh rộng khi liên tục nhận được lời khen về diễn xuất của nhiều đạo diễn, bạn diễn và khán giả. Thanh Mỹ đang được coi là đại diện tiêu biểu nhất của thế hệ diễn viên nhí đương đại của điện ảnh Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.