Thông thường, các phi hành gia phải sống và làm việc ngoài không gian trong một khoảng thời gian tương đối dài và cũng phải vật lộn với các vấn đề về giấc ngủ, tương tự như mọi người trên Trái Đất. Một số thách thức trong đó khá giống với những gì mà người làm việc theo ca hoặc những người có lịch trình bất thường phải chịu đựng. Tuy nhiên, chúng cũng có nhiều điểm độc đáo hơn trong môi trường không gian.
Hai trong số những thách thức lớn nhất đối với các phi hành gia là môi trường ngủ và việc thiết lập chu kỳ giấc ngủ tự nhiên. Tiến sĩ Erin Flynn-Evans, giám đốc Phòng thí nghiệm đối phó mệt mỏi tại Nghiên cứu Ames của NASA, cho biết các phi hành gia có khu tối, yên tĩnh và riêng tư trên trạm vũ trụ để dành cho việc ngủ.
Mặc dù trạm vũ trụ mang đến tầm nhìn tuyệt vời về Trái đất, việc phải ngắm 16 lần “bình minh” mỗi ngày có thể tàn phá nhịp sinh học của cơ thể phi hành gia. Trạm vũ trụ quay quanh Trái Đất theo chu kỳ 90 phút, tạo ra các khoảng thời gian bóng tối và ánh sáng xen kẽ. Thay vì phải thích nghi với chu kỳ như vậy, các chuyên gia tại NASA đã bổ sung hệ thống chiếu sáng bên trong trạm vũ trụ để mô phỏng lại điều kiện một ngày bình thường trên Trái Đất.
Tại Phòng thí nghiệm, Flynn-Evans và các đồng nghiệp đã phát triển một số công cụ giúp các phi hành gia vượt qua những thách thức về giấc ngủ. Một số chiến lược là về việc quản lý thời gian tiếp xúc với ánh sáng xanh và thời điểm giảm ánh sáng xanh để giúp họ ngủ. Họ cũng nghiên cứu, phát triển các phương pháp thay đổi giấc ngủ an toàn cho các phi hành gia như xác định thời điểm nên chợp mắt hoặc thức khuya hơn để phù hợp với những thay đổi trong lịch trình.
Mặc dù các nhà khoa học có dữ liệu về giấc ngủ từ nhiều năm bay vào vũ trụ, song việc thực hiện các nhiệm vụ mô phỏng trên Trái đất giúp họ thích ứng tốt hơn. “Chúng tôi luôn thực hiện các nhiệm vụ không gian giả”, Flynn-Evans nói. Họ mô phỏng môi trường sống của một căn cứ mặt trăng hoặc tàu vũ trụ nhỏ có thể chứa phi hành đoàn bốn người trong thời gian dài. Kết quả từ cuộc thử nghiệm cho thấy nếu các thành viên phi hành đoàn chỉ ngủ được 5 tiếng một đêm, họ cần có nhiều cơ hội hơn để ngủ bù vào những đêm tiếp theo nhằm giảm thiểu tác động xấu của việc thiếu ngủ.
“Giấc ngủ gắn liền trực tiếp với hiệu suất, sự tỉnh táo, giao tiếp giữa các cá nhân và các mối quan hệ. Vì vậy chúng tôi muốn đảm bảo rằng các đội được tạo các điều kiện hợp lí để có được giấc ngủ tốt”, Flynn-Evans nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!