Cồn Hến ở làng Cồn thuộc xã Hương Lưu, phường Vĩ Dạ, cách thành phố
Huế chừng vài km được coi là nơi ngon nhất và thú vị nhất để thưởng thức cơm hến. Gọi là cồn bởi đây vốn là bãi đất phù sa rộng nổi lên giữa sông Hương. Trong Dịch Lý của kiến trúc kinh thành Huế xa xưa, nơi này được đặt tên là “Tả Thanh Long”, còn người dân chỉ quen gọi nôm na là cồn Hến.
Dòng sông Hương chảy qua nơi này nước trong vắt, ít phù sa và chất phèn, đáy sông lại có một lớp bùn sâu tích tụ nên rất thích hợp cho loài hến sinh sôi, nảy nở. Có lẽ nhờ vậy mà hến ở cồn Hến nổi tiếng ngon nhất xứ Huế. Người già kể rằng, hến Cồn ngày xưa thường được tiến vua và rất được vua ưa chuộng.
‘ Cồn Hến chỉ cách thành phố Huế khoảng 4km. (Ảnh: ANTĐ)
Người dân cồn Hến chuyên sống bằng nghề cào hến, xúc hến, đãi hến và chế biến hến. Bởi thế, làng Cồn có đình thờ Tổ Thần Hến, gọi là Giang Hến. Làng làm lễ tế thần Hến hàng năm từ ngày 24 đến 26 tháng 6 âm lịch. Quy định của làng là trong 2 ngày rằm và cuối tháng âm lịch không ai được đi cào hến.
Sau khi ngâm nước gạo và rửa sạch, hến được đưa vào các lò nấu. Nấu chín lần thứ nhất, người ta đổ nước lã vào cho “cái hến” rời ra rồi nấu lại lần 2. Cứ 14- 15 kg hến tươi mới lấy được 1 kg “cái hến”. Khoảng 5 giờ sáng là mọi việc phải xong để các nhà hàng đến lấy về chế biến các món cơm hến, canh hến, hến xào bánh tráng xúc… “Cái hến” ở đây được bán theo kg còn nước hến thì đong theo xô.
Muốn ăn cơm hến ở cồn Hến, du khách phải đi sớm vì muộn là không còn chỗ hoặc hết cơm. Một tô cơm hến có hai nguyên liệu chính là cơm và hến. Cơm để làm món này phải nấu vừa chín tới, không dẻo, không dính, không nát; xới cơm ra rổ để cho nguội rồi đánh tơi ra từng hạt. Căn cứ lượng khách từng bàn, chị chủ quán lấy ra chừng ấy cái tô. Với tay sang rổ rau bên phải, chị nhón một nhúm, lần lượt bỏ vào từng tô ít rau húng, rau cần, xà lách. Quay sang rổ cơm bên trái, chị xúc cho mỗi tô một muôi đầy. Tiếp đó là lớp hến xào rải lên trên rồi lần lượt các thứ phụ gia khác như dúm chuối bào, vài lát khế, ít giá sống, vài cọng rau muống chẻ, nửa thìa lạc rang dầu, dăm bảy miếng da lợn chiên phồng, ít hành phi, thìa ruốc, vài lát ớt đỏ… thoáng chốc, những tô cơm đầy vun, thơm phức được bưng đến.
Trước đây, cơm hến đặc trưng bởi vị cay đến chảy nước mắt nhưng món cơm hến mà chúng ta ăn ở cồn Hến bây giờ không cay. Bù lại, trên bàn có đủ loại thức cay như tương ớt, ớt cắt lát, ớt dằm, ớt tươi, ớt khô, ớt hiểm… để tùy du khách thưởng thức theo gia vị riêng. Tuy không cay như món cơm hến được những người yêu Huế mô tả, nhưng bạn yên tâm, đó vẫn là cơm hến. Mỗi suất cơm hến luôn kèm một bát nước hến màu trắng đục nghi ngút khói. Có người chan ngay nước hến vào tô cơm, người khác thì húp rồi gật gù: “Ngọt !Ngọt thật!”. Sự cộng hưởng của các gia vị trong cơm hến sẽ đưa mùi thơm dâng lên mũi, vị ngọt thấm vào đầu lưỡi, chất béo lan trong miệng…
Thêm nữa, bạn hãy thử dùng một miếng da lợn chiên để thấy âm thanh rùm rụm khiến từng giác quan căng lên trong sự thích thú. Nhón một hạt đậu phộng, thêm một dúm rau thơm, bạn sẽ cảm thấy vị thơm thơm, nồng đượm và ấm áp. Cứ thế, không chỉ ăn mà bạn sẽ được thưởng thức hương vị của từng sản phẩm. Mọi tế bào của khứu giác, xúc giác, vị giác sẽ cộng hưởng, tạo nên một cảm giác đặc biệt thật khó quên.
Món ăn này tuy đơn giản nhưng chứa đựng bao kỳ công của những người chế biến. Và nếu bạn đến Huế, đừng quên ra cồn Hến để thưởng thức món ăn bình dị này.