Nếu như nhắc tới những món ăn ngon, hầu hết mọi người trong chúng ta đều sẽ nghĩ tới các đầu bếp. Trong xã hội hiện nay, đầu bếp là một nghề được tôn trọng và đánh giá cao. Nhưng có một thực tế là những người nông dân – những người trực tiếp tham gia vào chuỗi hoạt động của ngành công nghiệp thực phẩm – dường như lại bị lãng quên.
Trái ngược với sự kính trọng và cuộc sống có phần khá sung túc của nhiều đầu bếp, nhiều nông dân ở những vùng quê nghèo không thể trang trải cuộc sống với nghề nông. Tại Lima – thủ đô của Peru – đang diễn ra “một cuộc cách mạng ẩm thực” với những đầu bếp hàng đầu tạo ra vô vàn món ăn tuyệt hảo dựa vào những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất ở những vùng quê nghèo khó. Nhiều thế hệ qua, những người nông dân ở đây đã bị lãng quên mặc dù họ là những người nắm giữ chìa khóa của những loại thực phẩm quý giá.
Tại vùng núi Andes có thể tìm thấy những loại khoai tây đặc biệt với đủ màu sắc mà không một nơi nào có. Đây cũng chính là nguồn cung cấp nguyên liệu tươi, sạch cho các nhà hàng hàng đầu thế giới.
Ông Pedro Miguel Schiaffino – chủ nhà hàng Malabar nổi tiếng – cho biết những loại khoai ở vùng núi Andes này quý giá bởi hương vị đặc biệt, sự đa dạng và cả giá trị dinh dưỡng của chúng. “Trong tương lai, thực khách sẽ quan tâm đến việc ăn đồ ăn ngon, bổ chứ không phải ăn nhiều” – ông nói.
Từ trước tới nay, mặc dù nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp truyền thống của các nhà hàng rất lớn nhưng nhiều nông dân Peru vẫn từ bỏ công việc trồng khoai của mình chỉ vì giá của các mặt hàng nông nghiệp luôn ở mức rất thấp và họ không thể trang trải cuộc sống. Và nếu như nghề đầu bếp luôn nhận được sự kính trọng, sẽ chẳng mấy ai quan tâm đến cuộc sống của nông dân.
Anh Ivan Kasic – một đầu bếp tại Peru cho biết: “Trong nhiều năm, những người đầu bếp như tôi đã thấy rằng thật không công bằng cho những người sản xuất nông nghiệp – những người giúp chúng tôi có thể nấu những món ăn ngon, lại không có một cuộc sống tươm tất”.
Đó là điều khiến các đầu bếp ở Peru kêu gọi sự thay đổi. Họ muốn đảm bảo rằng những người nông dân có thể tiếp tục sản xuất các sản phẩm nông nghiệp truyền thống và có một cuộc sống đảm bảo.
“Hội chợ khoai tây Peru” chính là một dịp để người nông dân nơi đây khẳng định vị thế của mình. Những người nông dân cùng với các đầu bếp giới thiệu đến người tiêu dùng những loại khoai đặc trưng của các vùng quê.
‘ Giống khoai tây nhiều màu sắc ở Peru
Bằng việc giới thiệu những loại khoai truyền thống đặc trưng chỉ có ở Peru và sử dụng chúng để tạo ra những món ăn đặc sắc, nông dân đã mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, đồng thời tạo được mối quan hệ chặt chẽ với đầu bếp để cùng phát triển ngành công nghiệp ẩm thực.
Ông Edilberto Soto – một người nông dân nói: “Tôi tin rằng điều quan trọng nhất với chúng tôi là củng cố mối quan hệ này, dựa trên những hoạt động tương tự, dựa trên những giá trị và niềm tin giữa nông dân và đầu bếp”.
Để tìm hiểu rõ hơn cuộc cách mạng này, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chi tiết qua video dưới đây: