Debbie Owen, một người phụ nữ mang thai được 7 tháng, đang trên chuyến bay từ Bờ Biển Ngà đến London Gatwick cùng với người con gái 4 tuổi Claire thì bất ngờ gặp biến cố. Trước chuyến bay, cô đã đến gặp bác sĩ và được biết rằng em bé sẽ không chào đời trước dịp Giáng sinh vào 7 tuần sau, đồng thời nhận được lá thư khẳng định cô có thể đi du lịch an toàn. Tuy nhiên, không lâu sau khi chuyến bay của Debbie cất cánh, các cơn co thắt bắt đầu xuất hiện, người con thứ hai của cô đang chuẩn bị chào đời sớm.
Lúc đầu, Debbie cố gắng chống chọi lại các cơn co thắt với hy vọng đến được bệnh viện, nhưng mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi cô biết được rằng em bé chắc chắn sẽ ra đời trước khi máy bay hạ cánh. Phi hành đoàn trên chuyến bay phụ trách việc chăm sóc Claire, trong khi đó bác sĩ người Hà Lan, Wym Bakker, đã phụ trách ca sinh nở. Chuyến bay vừa đến ngoài khơi nước Anh thì em bé chào đời. Để kỷ niệm sự kiện hy hữu này, em bé đã được đặt tên là Shona Kirsty Yves, hay viết tắt là SKY (bầu trời).
Shona là một trong số khoảng 70 người trên toàn thế giới được mệnh danh là Skyborn (những người sinh ra trên bầu trời). Khi còn là sinh viên, Shona được giao nhiệm vụ tạo một dự án báo chí kỹ thuật số và cô đã tạo ra một trang web, cộng đồng dành cho những người sinh ra trên bầu trời, đồng thời nghiên cứu lịch sử của những ca sinh nở như vậy. Shona đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp được sinh ra trên máy bay giống như cô và đặc biệt vui mừng khi phát hiện ra câu chuyện về người đầu tiên có hoàn cảnh này.
Cô đã tìm đọc được một đoạn cắt từ một tờ báo ở Florida năm 1929 có nội dung: “Người cha là một người đam mê máy bay, đồng thời là một bác sĩ có vợ đang mang thai. Khi người vợ cảm thấy mình sắp sinh con, họ đã lên máy bay và bay vòng ở độ cao 600m cho đến khi bà sinh xong. Đứa trẻ được đặt tên là Airleen”.
Theo công ty hỗ trợ y tế hàng không MedAire, những ca sinh nở trên máy bay xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/26 triệu hành khách. Tiến sĩ Paulo Alves, giám đốc y tế toàn cầu của công ty cho biết: “Sinh con trên máy bay rất hiếm khi xuất hiện và hầu hết các trường hợp là sinh non. Đây không phải là điều kiện tốt nhất để sinh con do không khí trên máy bay loãng hơn. Thai phụ và em bé cũng sẽ gặp nguy hiểm khi không có chuyên gia sản với thiết bị công nghệ cao hỗ trợ nếu xảy ra vấn đề”.
Laura Einstetler, phi công của một hãng hàng không lớn tại Mỹ, cho biết việc hạ cánh khẩn cấp trong những trường hợp này là không khả thi. Cô nói: “Sẽ mất tối thiểu 45 phút để đưa hành khách từ độ cao 11.900m xuống bệnh viện. Lựa chọn này gây bất tiện cho các hành khách khác, gây tốn kém cho hãng hàng không và làm gián đoạn lịch trình của máy bay. Thay vào đó, phi hành đoàn sẽ đóng vai trò là nữ hộ sinh đặc biệt”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!