Gốm Bàu Trúc - Từ truyền thống đến mỹ nghệ

Ái Linh-Thứ tư, ngày 12/03/2014 10:55 GMT+7

Con đường đi từ gốm truyền thống sang dòng gốm mỹ nghệ đã làm thay đổi rất nhiều cuộc sống của bà con làng Bàu Trúc, cả trong tư duy làm ăn và ý thức giữ gìn nghề truyền thống của đồng bào Chăm.

Nhắc đến gốm Bàu Trúc, nhiều người liên tưởng ngay đến những sản phẩm gốm độc đáo được đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận làm bằng thủ công. Sau hơn 10 năm được biết đến trên thị trường, gốm Bàu Trúc ngày nay đã khẳng định được chỗ đứng và thương hiệu của mình.

Các sản phẩm của làng gốm Bàu Trúc ngày nay đều có sự cách điệu từ hình mẫu đến họa tiết trang trí. Tất cả đều theo xu hướng làm vật trưng bày, trang trí nghệ thuật trong nhà ở, hay khách sạn, nhà hàng... Theo nghệ nhân Đàng Xem, đây chính là điểm khác biệt lớn nhất so với gốm Bàu Trúc truyền thống: “Không như gốm ngày xưa, phải chở đi bỏ chợ, ngồi chợ bán, hết mới về. Từ 2001 đến nay, khách hàng biết đến. Thị trường đòi hỏi cao tính mỹ thuật, nhưng mộc mạc, nên sản phẩm được đẩy mạnh phần nào. Giá bây giờ gấp 3 lần gốm truyền thống mà vẫn nhiều đơn hàng”.

‘ Công việc chế tác gốm ở làng Bàu Trúc. (Ảnh: Báo Ninh Thuận)

Thời điểm trước năm 2000, gốm Bàu Trúc gần như bị lãng quên. Khi ấy, các sản phẩm làm ra đều phục vụ cho đời sống tinh thần tôn giáo của người Chăm, chỉ một số ít vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường ngày.

Tưởng chừng bị mai một, nhưng sự chuyển hướng từ sản xuất hàng gia dụng sang hàng mỹ nghệ, cùng với tác động của chính quyền địa phương đã giúp làng nghề gốm Bàu Trúc thoát nghèo vươn lên làm giàu. Từ chỗ rất ít hộ theo nghề với thu nhập ít ỏi, nay đã có gần 20% hộ trong làng tham gia sản xuất gốm mỹ nghệ. Thanh niên trong làng cũng đã có việc làm tại chỗ thay vì phải bỏ xứ đi làm ăn xa như 10 năm về trước.

Nghệ nhân Đàng Xem cho rằng: “Đúng là kinh tế các hộ làm gốm mỹ nghệ được hơn, đỡ vất vả hơn làm nông đến hai lần. Ở đây, người dân một mặt bảo vệ được nghề cổ truyền, một mặt đẩy mạnh nhu cầu cuộc sống để trang trải hàng ngày”.

Sản phẩm mang hoa văn Chăm độc đáo của đồng bào Chăm, Ninh Thuận giờ đã xuất sang thị trường các nước Âu, Mỹ. Đơn đặt hàng ngày càng nhiều thêm. Thế nhưng, thay vì dùng khuôn, bàn xoay, các hộ làm gốm mỹ nghệ làng Bàu Trúc vẫn chấp nhận lao động thủ công vất vả, năng suất thấp. Đó chính là cách để giữ lối sản xuất truyền thống của đồng bào và cũng để khẳng định nét đặc trưng riêng, đậm nét văn hóa Chăm, không lẫn với gốm ở các nơi khác.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước