Hạt nhựa nở xuất hiện trở lại tại cổng trường tiểu học

Minh Đức-Thứ ba, ngày 08/11/2016 06:19 GMT+7

VTV.vn - Sau một thời gian biến mất, món đồ chơi hay được gọi là hạt nhựa nở đã "tái xuất" và trở thành món đồ chơi được ưa chuộng của các em học sinh tiểu học.

Đầu năm 2014, TP Tây Ninh đã từng ghi nhận 3 trường hợp trẻ nhỏ phải vào viện vì nghi ngờ bị ngộ độc sau khi chơi với hạt nhựa nở. Trước đó, vào năm 2007, đã có 22 em học sinh và 1 giáo viên của một trường THCS tỉnh Thanh Hóa phải nhập viện cũng bị nghi là ngộ độc sau khi tiếp xúc với hạt nhựa nở.

Vài tháng trở lại đây, hạt nhựa nở xuất xứ Trung Quốc đã xuất hiện trở lại ở các cổng trường tiểu học tại Hà Nội. Tại nhiều cổng trường tiểu học tại Hà Nội như Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Phan Chu Trinh (Ba Đình),... chỉ từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng, các em học sinh đã có thể dễ dàng sở hữu 1 gói hạt nhựa nở. Hạt nhựa nở được bán theo từng gói gồm nhiều hạt nhựa tròn nhỏ, những hạt nhựa này khi cho vào nước sẽ chương nở lên. Vì màu sắc bắt mắt và có cảm giác dai mềm khi sờ nên thứ đồ chơi này được các em học sinh rất yêu thích.

Hạt nhựa nở xuất hiện trở lại tại cổng trường tiểu học - Ảnh 1.

Những viên hạt nhựa nở ban đầu rất nhỏ, sau khi ngâm nước sẽ nở to gấp nhiều lần, khiến trẻ em rất thích thú

Tại một quán bán đồ chơi trẻ em ngay tại trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), những gói hạt nhựa nở được bán công khai với giá 3.000 đồng/gói. Chủ quán cho biết, có hai loại nhựa nở đang bán rất chạy là loại các hạt hình tròn có nhiều màu sắc, một loại nữa là hình động vật. Tất cả đều chương nở to lên gấp nhiều lần sau 15 phút ngâm trong nước. "Nếu ngâm càng lâu thì hạt nhựa nở càng to, đựng vào chai nước trong suốt trông rất đẹp" – chủ quán này cho biết.

Tuy nhiên, khi PV hỏi chủ quán có biết loại đồ chơi này sản xuất hay nguồn gốc ở đâu không, chủ quán chỉ nói rằng nhập từ người bỏ mối đồ chơi chứ không rõ xuất xứ. Điều đáng nói là các gói hạt nhựa nở này trên bao bì không hề có một dòng thông tin nào nói về thành phần hay nhà sản xuất, chỉ có những hình ảnh minh họa nhiều màu sắc bắt mắt, vài dòng hướng dẫn sử dụng ghi bằng tiếng Anh và dòng chữ "made in China" ở góc gói.

Em Nguyễn Quỳnh Anh (học sinh lớp 3 trường tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy) cho biết: "Em thấy những hạt này rất đẹp, chỉ cần ngâm nước là nó sẽ nở ra rất to, sờ mềm mềm thích lắm. Để vào chai nước suối thì nó gần như trong suốt". Quỳnh Anh cho biết rất nhiều bạn bè mua để chơi, em còn cho biết: "Bác bán hàng còn bảo hạt này an toàn vì còn trồng được cả cây nữa cơ, mang về ngâm nước 4 tiếng thì có thể trồng cây thay đất".

Hạt nhựa nở xuất hiện trở lại tại cổng trường tiểu học - Ảnh 2.

Thực tế, hạt nhựa nở có hình dạng và cơ chế nở rất giống với một loại đất tinh thể dùng để trồng cây từng gây "sốt" trong năm 2015. Loại đất tinh thể này cũng là những hạt nhựa có kích thước rất nhỏ, gặp nước chương nở lên nhiều lần, có công dụng trồng cây thay cho đất. Tuy nhiên, ngay cả loại đất tinh thể này cũng chưa từng được kiểm chứng thành phần có độc hại hay không.

PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết: "Tôi đã từng nghe qua về loại hạt nhựa nở này. Nhưng để biết nó độc hay không, độc hại cỡ nào thì cần phải biết được thành phần của nó. Có nhiều cơ chế khiến cho hạt nhựa nở, ví dụ như sinh khí hay hút nước, cũng có thể là vừa hút nước vừa sinh khí. Nếu là cơ chế sinh khí thì chắc chắn hạt này phải nổi lên mặt nước, có vẻ như hạt nhựa này theo cơ chế hút nước nên không nổi lên".

PGS.TS Hồng Côn cho biết, có một loại polymer siêu thấm có thể hút nước và nở ra hàng trăm lần, có khả năng ứng dụng trong việc giữ nước cho đất, phục vụ nông nghiệp. "Có thể, loại nhựa hút nước này được làm theo chất liệu polymer trên nhưng có thể trong quá trình sản xuất có sử dụng thêm các chất phụ gia để làm đẹp. Nếu các chất phụ gia này mang tính độc hại và không được loại bỏ thì chắc chắn sẽ gây độc cho người chơi, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước