Lời ru buồn trên núi đá...

Nguyễn Văn Quân-Chủ nhật, ngày 30/03/2014 09:16 GMT+7

Mường Lát, huyện xa xôi bậc nhất của miền tây xứ Thanh, mấy năm trước được biết đến như một điểm nóng của "cơn bão" ma túy và thuốc phiện.

Dù rằng đến thời điểm này, với sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, vấn nạn này đã được giảm thiểu, thậm chí giảm thiểu tới mức tối đa nhưng những câu chuyện buồn, hệ lụy của "cơn bão" ma túy tràn qua để lại trên đất này, vẫn hiện hữu, xa xót đến buốt lòng…

‘ Bản làng vắng bóng đàn ông (ảnh Văn Quân)

Nơi cơn "bão" đi qua…

Vượt qua những bản làng người Dao, người Mông nằm rải rác nơi thượng nguồn sông Mã hơn một giờ đồng hồ, Vi Văn Tuấn, cán bộ chính sách xã Tam Chung (huyện Mường Lát-Thanh Hóa) mới cùng tôi đặt chân tới bản Poọng, một bản nhỏ với 100% người dân tộc Thái nằm dịu dàng dưới dãy núi Pù Păn. Xét về địa giới hành chính, Poọng là một bản nhỏ, chỉ có 85 hộ dân sinh sống nhưng nếu tính về số lượng những người nghiện, hoặc có dính tới ma túy thuốc phiện thì nơi đây lại "nổi tiếng" nhất nhì trong toàn huyện. Vừa đánh cua tránh những ổ gà gồ ghề trên con đường dẫn vào trung tâm bản, Tuấn vừa oang oang lời giới thiệu một cách hồn nhiên.

Đã mười giờ trưa, nhưng ngay trung tâm bản vẫn vắng hoe hoét. Thảng chỉ gặp đôi ba khuôn mặt phụ nữ lặng lẽ từ một góc nhà nào đó dõi ra. Và rồi lại quay đi rất nhanh. Thậm chí nếu không có được sự góp mặt của trưởng bản Vi Văn Thuật thì có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ tiếp cận được với bất kỳ một người dân nào ở đây. Ngồi nói chuyện, Thuật bảo ở bản của anh bây giờ, đa phần chỉ có người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Lứa thanh niên trai tráng như anh, nếu không đi làm ăn xa thì cũng lên rẫy lên chòi làm rừng suốt cả tuần trời, bộ phận còn lại thì đã bị "con ma ết" nó "rủ" đi. Vi Văn Thuật mới hơn ba mươi tuổi, dù rằng mới lên làm trưởng bản được hai năm nhưng những câu chuyện buồn liên quan đến thuốc phiện và ma túy xảy ra trên quê mình thì Thuật biết rõ.

"Từ năm 2006 đến 2008 là thời điểm phát hiện ra nhiều người nghiện và nhiều người bị "ma ết" bắt đi nhất". Theo trí nhớ của Thuật, cái bản nhỏ chỉ với 85 hộ dân nhưng riêng năm cao điểm 2007 đã phát hiện ra tới 20 người nghiện ma túy hoặc thuốc phiện. Người Thái xưa nay chỉ hút thuốc phiện đen, nhưng từ khi thuốc trắng vào, thanh niên rủ nhau hút, chích rồi lây lan. Năm 2006 Vi Văn Cứu (30 tuổi) là người phát hiện đã bị nhiễm HIV đầu tiên trong bản. Toàn thân người Cứu bị lở lóet, gia đình đi lấy lá cây rừng về đắp nhưng không thấy đỡ. Khi đưa Cứu đên bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát khám, các bác sĩ nơi đây chẩn đoán Cứu đã nhiễm căn bệnh HIV giai đoạn cuối. Cứu được đưa về nhà mấy hôm sau thì chết. Chỉ trong thời gian ngắn sau đó, ở trong bản cứ cách mấy nhà lại có một người chết. ""Nó" chết thì thiệt thân, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền nhiều về tác hại của ma túy, của việc chích hút nhưng đằng này, nó lại làm cho vợ, con nó cũng bị con " ma ết" nó ám vào.

Nhiều người vợ, chẳng tội tình gì cũng đã phát bệnh mà qua đời." Cái trăn trở của trưởng bản Vi Văn Thuật cũng là sự buốt nhói của chúng tôi khi có dịp bước vào bản Poọng. Theo thống kê của Thuật, ở bản của anh, đã có gần 10 người phụ nữ mà chồng của họ đều đã mất vì căn bệnh AIDS. Nhưng không biết các chị có may mắn thoát sự oan nghiệt của phận số. Bởi hầu như chưa có hề có một sự điều tra, thăm khám mang tính khoa học của các tổ chức xã hội nào bước chân vào mảnh đất thậm xa xôi này. Gần mười người phụ nữ có chồng qua đời vì AIDS thì đồng nghĩa với việc sẽ có hàng chục những đứa trẻ, thậm chí cả những người thân trong gia đình họ có nguy cơ lây nhiễm căn bệnh chết người này. Nhưng… chẳng ai để ý. Thuật bảo người dân nơi đây hồn nhiên như cây có trên rừng, nhiều người thậm chí trước khi qua đời cũng chẳng hiểu mình mắc căn bệnh gì mà phải "đi" sớm vậy?

‘ Bốn mẹ con đã có người thân qua đời vì AIDS (ảnh Văn Quân)

Nước mắt buồn sơn nữ

Theo như cán bộ chính sách xã Tam Chung Vi Văn Tuấn thì bản Poọng có những yếu tố "thuận lợi" để số lượng người chích hút ma túy, thuốc phiện nhiều hơn những thôn bản khác trong huyện Mường Lát. Thứ nhất là do… truyền thống. Ngày xưa người Thái có thói quen nằm bàn đèn hút thuốc phiện thì rõ rồi. Đó là một hủ tục rơi rớt đến bây giờ. Nếu như ngày xưa các cụ chỉ dùng thuốc phiện, thuốc đen thì nay, lớp thanh niên, do tiếp xúc với bên ngoài nhiều đã sử dụng cả hàng trắng, không chỉ hút mà còn chích và khoảng cách để từ việc nhiễm HIV rồi chuyển sang AIDS đôi khi chỉ trong một cái chớp mắt.

Và một lí do nữa quan trọng hơn, Poọng là một bản có đường biên giới dài và rộng, một phía tiếp giáp Sơn La, một phía giáp Lào và đằng sau là đường vào thị trấn Mường Lát. Đó là những yếu tố để thanh niên trong bản, nếu không được giáo dục và quản lí chặt thì việc đến với tệ nạn hút chích, thậm chí là buôn bán cũng chỉ trong… chớp mắt. Theo những lối đi gồ ghề khấp khểnh chúng tôi lên thăm nhà ông bà Vi Văn Pấng và Vi Thị Ốn. Không gì dễ lay động con người ta bằng những giọt nước mắt. Đặc biệt đó lại la những giọt nước mắt người già. Ông Pấng không ngại ngần gì khi tiếp xúc với nhà báo nhưng ông đã khóc rất nhiều. Chưa đến bảy mươi tuổi nhưng ông khắc khổ và già sọp. Đôi bàn tay run run pha nước mời khách dưới xuôi lên cũng chính là đôi bàn tay đã một mình đào huyệt chôn cất bốn người con trai vừa qua đời bởi căn bệnh thế kỷ. Đôi bàn tay ấy cũng đã từng gói ghém đồ đạc, đứng trước mấy đứa con dâu mà khóc tạ tội rồi khuyên các con nên đi tìm một bến đậu hạnh phúc khác bởi kiếp này, bước chân vào nhà ông làm dâu, cả nhà ông đã nợ họ quá nhiều. Nhưng chẳng cô con dâu nào chịu đi, họ chỉ ôm nhau mà khóc, những đứa trẻ thấy mẹ và ông bà khóc cũng òa lên khóc. Khóc mà họ chẳng biết mình đang khóc vì lí do gì bởi thời điểm đó, khái niệm "bệnh ết" , "căn bệnh chết người" chưa bao giờ tồn tại trong suy nghĩ họ.

Chưa đến 5 năm nhưng 4 đứa con trai của ông Pấng đã phát bệnh và qua đời đều một tự tay ông lo liệu chôn cất. Nỗi đau rồi cũng phải nguôi ngoai để lo cho người còn sống. Bây giờ, với tuổi 70, hàng ngày ông Pấng vẫn thập thững lên rừng xuống suối, hòng kiếm gánh củi, con cá phụ giúp 7 đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn. Ông cũng tâm sự, nỗi lo sợ nhất của mình bây giờ, đó là Vi Văn Tùng, đứa con trai duy nhất còn lại của ông có bị dính vào thứ thuốc độc chết người kia không. Ông không tin lời Tùng nói, bởi bốn thằng con trai lúc còn sống kia cũng đã nói với ông chúng không dính vào ma túy thuốc phiện. Nhưng rồi khi chúng qua đời thì bệnh viện đã nói với ông, bọn chúng đã nghiện quá nặng. Với thằng Tùng, đôi khi ông cũng muốn đưa con đi nhờ các bác sỹ dưới bệnh viện huyện kiểm tra nhưng ngần ngừ lại thôi, bởi ông sợ, một nỗi sợ vô hình nào đó. Cách nhà ông Pấng không xa là nhà của mẹ con Hà Thị Yềng. Nếu so về tuổi đời em còn quá trẻ, chưa đến ba mươi tuổi nhưng Yềng đã là mẹ của ba đứa con, đứa đầu cũng đã mười hai tuổi.

Thời còn con gái, mọi người cứ bảo số Yềng rồi sướng. Là con gái duy nhất của bí thư chi bộ bản Poọng, lại xinh như đóa hoa rừng, Yềng hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cuộc sống hạnh phúc về sau. Nhưng Yềng bảo, nhân duyên chồng vợ đôi khi mình không biết được, nếu biết trước thì số phận em đâu khổ như bây giờ. Học hết cấp ba Yềng yêu rồi cưới Vi Văn Tươi một thanh niên cùng bản. Ăn ở với nhau được ba mặt con thì Tươi phát bệnh. "Cũng không biết anh ấy nghiện từ khi nào, ban đầu thấy sốt liên miên đưa lên viện một tuần bệnh viện trả về, gia đình cho uống thuốc lá không đỡ, mấy ngày sau thì anh ấy nổi hạch ở cổ và qua đời." Ngồi nói chuyện Yềng không kể nhiều. Tôi có cảm tưởng những nỗi đau, sự thống khổ đã hóa thạch và lặn sâu vào tâm hồn của cô sơn nữ này từ lâu lắm rồi.

Yềng chỉ nói rằng công việc hàng ngày của cô là chăm ba sào ruộng lấy gạo để nuôi ba đứa con khỏi chết đói (đúng nghĩa đen). Và ba đứa con gồm hai gái một trai của cô cũng sẽ phải tập lao động dần thôi bởi cuộc sống mẹ con ngày một khó khăn lắm rồi. Đứa con gái lớn Vi Thị Dâu 12 tuổi, đứa con gái thứ hai Vi Thị Dung 8 tuổi đều được đến trường… vài tháng. Giờ tất cả đều đã nghỉ để tập… đi làm ruộng. Ngậm ngùi trong chiều muộn, ánh mắt câm lặng và câu nói như không phải để cho tôi nghe của Yềng cứ ám ảnh bên tai, nhức buốt suốt chặng đường về xuôi...

Ông Hà Văn Thịnh - PCT UBND xã Tam Chung (Mường Lát - Thanh Hóa): "Đây là hệ lụy của thời gian khi Mường Lát còn là điểm nóng ma túy. Chúng tôi cũng biết nhưng đôi khi với một xã vùng sâu xa chính quyền không đủ điều kiện để giải quyết triệt để vấn đề. Vẫn sẽ phải quản lí chặt chẽ kết hợp với tuyên truyền nhưng không riêng gì tôi mà bà con Tam Chung vẫn mong những tổ chức xã hội, những tổ chức y tế có trình độ chuyên môn và tấm lòng sẽ lên vùng đất này một lần để kiểm tra, sàng lọc và có biện pháp giúp đỡ bà con dân bản."

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước