Thể hiện được giá trị của người phụ nữ, là nơi chứa đựng hồn sống, thể hiện gia thế, tình trạng hôn nhân, mã não từ bao đời nay đã hiện diện một cách đầy oai phong, trở thành vật không thể tách rời của người phụ nữ Pa Kô giữa rừng núi Trường Sơn.
Bà Ya Thên ở xã Tà Rụt, huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị năm nay đã gần 70 tuổi. Cách đây gần nửa thế kỷ, bà có một chuỗi mã não. Ban đầu, bà chỉ có vài hạt, sau tăng dần. Đến giờ, bà cũng không còn nhớ rõ mình đang có bao nhiêu hạt mã não qua chừng ấy năm sống tại mảnh đất đầy nắng gió này.
‘ Phụ nữ Vân Kiều (đầu đội khăn) và phụ nữ Pa Kô đều có tập tục đeo vòng mã não. (Ảnh: TNO)
Bà Ya Thên kể lại: “Hồi xưa rất khổ, nhà nghèo không có gì. Khi lấy chồng mới có 5 hạt, về sau có bao nhiêu cứ đeo. Năm cái hồn sống đã gắn lên năm cái hạt này, khi mất hạt nào phải cúng hai con heo, hai con gà để mua lại, nếu để lâu mà không cúng làng sẽ phạt lên tới con dê”.
Tuy nhiên, không phải bà lão nào trong làng cũng được đeo nhiều mã não như bà Ya Thên. Là vợ của già làng Vỗ Thên, số lượng mã não bà đeo trên cổ cũng thể hiện được gia thế, quyền uy mà gia đình bà có.
Theo người dân ở đây, mỗi cô gái đến tuổi mới lớn đều được thầy cúng làm lễ cúng hồn sống vào những hạt mã não. Từng hạt mã não trên cổ từ bao đời đã trở thành những thứ thiêng liêng nhất của mỗi cô gái Pa Kô.
Ông Kray Sức - cán bộ văn hóa xã Tà Rụt cho biết: “Trang sức của người Pa Kô chúng tôi là hạt mã não. Riêng cái hạt này không sản xuất được, nhưng nó trở thành vật rất quý đối đồng bào Pa Cô chúng tôi, đặc biệt là chị em phụ nữ. Những hạt mã não này người ta gắn với cái hồn của người đó. Nếu lấy chồng thì có thể được chồng tặng thêm. Ví dụ, khi còn là con gái thì đeo 3 hạt, khi lấy chồng thì ta sửa lại cái chuỗi, thêm 2 hạt trở thành 5. Khi về nhà chồng luôn luôn phải đeo, trừ trường hợp tắm hoặc đi đâu xa sợ mất thì người ta mới cất mà cũng phải cất ở những chỗ trang trọng nhất, chỗ kiêng kỵ nhất trong gia đình”.
Vì thế, điều kiêng kỵ nhất của mỗi người phụ nữ Pa Kô là làm mã não bị sứt mẻ, bị rơi vỡ hoặc mất đi. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải gánh chịu những tai ương, mất đi một phần linh hồn mà trời đất đã ban tặng.
Chứa đựng ý nghĩa linh thiêng đó nên mã não không thể thiếu được trong việc cưới hỏi của người Pa Kô. Mã não trở thành lễ vật thách cưới, là kỷ vật biểu trưng cho sự đồng thuận, sự đính ước của hai bên nam nữ. Khi mỗi hạt mã não được thêm vào chuỗi, người Pa Kô lại phải cúng trời đất để gắn thêm linh hồn vào từng hạt. Đến khi mất đi, mã não sẽ được chôn theo cùng người phụ nữ.
Cứ thế, chuỗi mã não gắn liền với cuộc đời phụ nữ Pa Kô, biểu trưng cho sức mạnh tinh thần từ đời này qua đời khác. Giờ đây, xã hội phát triển, những hạt mã não mua được dễ dàng với giá thành rẻ hơn xưa, nhưng đối với người Pa Kô Quảng Trị, chúng sẽ luôn là những vật vô giá, tồn tại như một biểu tượng đi đôi với văn hóa và phong tục không thể trộn lẫn với bất cứ dân tộc nào trên mọi miền Tổ quốc.