Tỉnh Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất cả nước với khoảng 400.000 người. Ngay cả tên gọi Sóc Trăng cũng bắt nguồn từ tiếng Khmer, nghĩa là "xứ có kho" - một vùng đất vô cùng trù phú, dồi dào sản vật. Trong những sản vật mang hồn quê xứ sở Sóc Trăng không thể thiếu món mắm bò hóc của người Khmer.
Việc làm mắm bò hóc không khó nhưng để cho ra đúng hương vị truyền thống, nghệ nhân lành nghề luôn nắm giữ bí quyết riêng. Khâu chọn nguyên liệu gần giống với cách làm mắm của người Kinh ở thành phố Châu Đốc, cá đem ủ vẫn là các loại cá đồng. Tuy nhiên, làm mắm bò hóc có một số điểm khác biệt: cá không chao đường mà phải ngâm với muối để qua đêm, phơi cá cho ráo nước rồi rửa lại bằng nước muối, xếp vào keo (lọ/thố to) theo tỷ lệ 1 cá/0,5 cơm nguội/1 muối, dùng nan tre cài chặt lại, ủ từ 4 - 6 tháng cho đến khi thành mắm.
Người dân Khmer rất tinh tế trong ẩm thực khi sử dụng mắm bò hóc làm gia vị cho các món ăn, giúp tiết giảm đường, bột ngọt. Đồng thời, việc kết hợp mắm này với một số nguyên liệu khác là cách giữ mùi hương, tạo vị đậm đà cho món ăn. Sự khác biệt của loại mắm trứ danh này theo thời gian đã được các dân tộc cộng cư vô cùng ưa chuộng. Nghề mắm theo đó được hình thành và tồn tại bằng thương hiệu của một món ăn dân giã, mắm bò hóc trở thành món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người dân Khmer.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!