Mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của giới trẻ, là kênh thông tin, giải trí, học tập, kết bạn... rất nhiều lợi ích trong thời đại bùng nổ công nghệ hiện nay. Tại Việt Nam, những mạng xã hội được dùng nhiều nhất và số người dùng là thanh thiếu niên tăng lên rất nhanh như Facebook, zalo, tiktok, instagram là những nền tảng phổ biến nhất.
Khảo sát người dùng Internet từ 16 tuổi trở lên cho thấy, trong số các trang web và ứng dụng được truy cập hàng đầu chính là mạng xã hội - chiếm hơn 96%.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu cho thấy tác động tiêu cực của mạng xã hội. Mới đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới WHO cảnh báo tình trạng "nghiện" mạng xã hội gây tác hại đến sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên.
Trong báo cáo vừa công bố tháng trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về "sự gia tăng đáng kể việc sử dụng mạng xã hội có vấn đề" ở thanh thiếu niên tại các nước châu Âu. Cụm từ "có vấn đề" được WHO sử dụng khi những người trẻ tuổi có "các triệu chứng giống như nghiện".
Dữ liệu thống kê của WHO đối với 280.000 người trong độ tuổi 11, 13 và 15 từ 44 quốc gia ở châu Âu, Trung Á và Canada. Khảo sát cho thấy hơn 30% thanh thiếu niên chơi trò chơi trực tuyến hằng ngày. 12% số thanh thiếu niên có nguy cơ "nghiện" cờ bạc. WHO khuyến nghị cần hành động ngay để giúp thanh thiếu niên thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội - vốn đã được chứng minh có thể dẫn đến trầm cảm, bắt nạt, lo lắng và kết quả học tập kém.
Australia cũng lên kế hoạch ban hành luật cấm trẻ em sử dụng các nền tảng mạng xã hội do lo ngại các nguy cơ gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Nguyên nhân là do tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và việc dễ dàng tiếp xúc với các nội dung có hại trên các nền tảng mạng xã hội.
Mạng xã hội có thể gây ‘nghiện’
Tại Việt Nam đã có tình trạng trẻ em nghiện màn hình, nghiện Internet. Tức là thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop hay TV quá lâu, gây hại đến cảm xúc và hành vi của trẻ. Bởi sức hấp dẫn của những nội dung bên trong các thiết bị này, trong đó phải kể đến mạng xã hội.
Hiện đang cung cấp miễn phí cho người dùng, các trang mạng xã hội sẽ kiếm tiền bằng cách nào? Tất cả đều thông qua tối đa hóa thời gian của người dùng. Sử dụng càng lâu, tương tác càng nhiều ... thì doanh thu của mạng xã hội càng lớn.
Theo các nhà nghiên cứu, thiết kế của mạng xã hội tác động đến tâm thần người dùng. Chức năng like - thích, comment - bình luận, tác động vào cơ chế sản sinh Dopamine nội sinh - có thể hiểu đơn giản là hormone hạnh phúc.
Các thuật toán được sử dụng để thiết kế tạo ra một chu kỳ tương tác không ngừng, khiến người dùng liên tục kiểm tra điện thoại.
Tính năng bộ lọc hình ảnh dẫn tới sự không hài lòng về cơ thể, tự tin về ngoại hình, có thể gây rối loạn ăn uống.
Tính năng "thông báo", tính năng "cuộn vô hạn" tạo ra sự lôi cuốn khiến người dùng chìm đắm vào xã hội thu nhỏ chỉ trong 1 chiếc điện thoại.
Khảo sát UNICEF năm 2022: 82% trẻ em Việt Nam từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày. Chưa có thống kê cụ thể về thời gian vào mạng xã hội hàng ngày, nhưng việc tốn 2-3 giờ đồng hồ cho mạng xã hội là phổ biến với học sinh hiện nay.
Lạm dụng mạng xã hội, thanh thiếu niên có thể rơi vào rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội.
Không chỉ vậy, bắt nạt qua mạng, tội phạm mạng, áp lực từ bạn bè là những rủi ro khi lên mạng xã hội, dẫn đến việc tự làm hại bản thân, suy nghĩ tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Để trẻ không ‘nghiện’ mạng xã hội
Thuật ngữ "nghiện mạng xã hội" hiện chưa được đưa vào Bộ chẩn đoán về các rối loạn tâm thần. Nhưng ngay từ bây giờ, các bậc phụ huynh, giáo viên - gia đình và nhà trường sẽ cần nhận thức sớm và chủ động trong kiểm soát việc dùng mạng xã hội của trẻ vị thành niên. Cấm hay không cấm? Quản lý hay để các trẻ em tự giác? Rất nhiều câu hỏi khó đặt ra, nhưng không phải không có câu trả lời.
Từ đầu năm học này, nhiều trường học áp dụng biện pháp quản lý việc dùng điện thoại thông minh của học sinh chặt chẽ hơn. Trên thế giới, không chỉ cấm điện thoại, nhiều quốc gia đang đề xuất giới hạn độ tuổi trẻ em được dùng mạng xã hội. Không cấm, nhưng cần có công cụ quản lý người dùng là thanh thiếu niên.
Mạng xã hội là con dao 2 lưỡi - những bạn học sinh lớp 9 này nhận thức rất rõ điều đó. Quá nhiều sức hấp dẫn đến từ những nút like, những lượt kéo vuốt video không ngừng nghỉ. Nhưng một bên là nhiệm vụ học tập và những kỳ thi quan trọng đang đến gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!